Nâng cao chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn phải tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước có giá trị tài sản lớn, việc kiểm kê tài sản, định giá tài sản rất phức tạp trong khi thời gian đề hoàn thành mục tiêu không còn nhiều. Việc trình Quốc hội quyết định phương án cổ phần hóa sẽ tránh được sự tùy tiện, gây thất thoát một số tài sản lớn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời những doanh nghiệp có giá trị tài sản trên 35.000 tỷ đồng đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước, nên khi Quốc hội tham gia quá trình cổ phần hóa sẽ tạo được niềm tin trong xã hội.
1. Tình hình doanh nghiệp nhà nước ở giai đoạn chưa cổ phần hóa
Trong một thời gian dài các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi nhiều mặt nhưng hiệu quả hoạt động lại thấp, vốn tín dụng chiếm 60% nhưng đóng góp vào GDP chỉ mới có 30%. Theo những thông tin công khai, lỗ vẫn còn cao, trên 16%. Bên cạnh đó, các sai phạm, kể cả vấn đề đạo đức đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả và uy tín của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy hiệu quả kinh doanh phụ thuộc trước hết vào năng lực, phẩm chất của đội ngũ CEO. Các trường hợp xảy ra như vụ PMU 18, Vinashin, EVN… đã chứng minh thực trạng đó. Đầu tư ra ngoài ngành, hệ thống kiểm soát lỏng lẻo, kinh doanh thua lỗ là do các CEO đã có những quyết định sai lầm (mang tính chất lợi ích nhóm, tham nhũng...).
Chính những yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước đã đặt ra vấn đề cần phải nhanh chóng cổ phần hóa những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang chậm hơn so với kế hoạch. Nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề.
2. Thực trạng các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nước nhà và cho chính những doanh nghiệp này. Báo cáo của Bộ Tài chính, trong số 3.576 doanh nghiệp được sắp xếp, cổ phần hóa, đã có 85% doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Gần 90% doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Có 86% doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Không những thế sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chỉ nắm những ngành, lĩnh vực và địa bàn then chốt, tránh được việc đầu tư dàn trải, giúp Nhà nước giảm được việc bù lỗ hàng năm. Trong các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thì vai trò làm chủ của người lao động cũng là những cổ đông được nâng lên một cách rõ rệt, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Nhiều doanh nghiệp chưa có đổi mới thực sự trong quản trị, phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tính công khai, minh bạch chuyển biến chậm. Nhiều nội dung của cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa như: chính sách tiền lương, tiền thưởng… vẫn còn áp dụng như trước chuyển đổi.
3. Nguyên nhân của việc cổ phần hóa chậm và kém hiệu quả
Nguyên nhân thứ nhất: Các doanh nghiệp nhà nước vẫn muốn giữ thế độc quyền và hoạt động kinh doanh kém hiệu quả
Một là, đối với các doanh nghiệp vốn độc quyền thì không muốn cổ phần hóa do vẫn còn lưu luyến với lợi ích từ việc độc quyền. Các doanh nghiệp này không dễ gì chấp nhận phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Hai là, do Hội đồng thành viên được giao quyền quá lớn, đại diện chủ sở hữu nhà nước không gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm; vẫn còn tư duy nhiệm kỳ dẫn đến có quá nhiều bê bối xảy ra; việc đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan, kém hiệu quả; tiến độ thực hiện các dự án chậm, gây thiệt hại nhiều. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Chính vì vậy sức hấp dẫn của doanh nghiệp nhà nước giảm đi nhiều trong mắt các nhà đầu tư.
Ba là, một số người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước lo ngại mình sẽ mất hoặc giảm quyền lợi khi cổ phần hóa.
Nguyên nhân thứ hai: Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Thứ nhất, môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tài chính nói riêng trong những năm qua không thuận lợi cho việc đẩy mạnh cổ phần hóa. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến những bất ổn trong nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giống như nhiều doanh nghiệp trên thế giới không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí phải giải thể hoặc phá sản. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thì sự hỗ trợ của Nhà nước chính là cứu cánh cho các doanh nghiệp này. Và tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước nên các doanh nghiệp này không muốn cổ phần hóa.
Thêm vào đó là sự ảm đạm của thị trường chứng khoán trong những năm qua, sức mua cổ phần thấp, nguồn cung dường như vượt quá năng lực của thị trường. Sự thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước do khủng hoảng kinh tế đã làm giảm sức hấp dẫn cổ phiếu doanh nghiệp này. Thống kê đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước trong quý I và quý II năm 2014 cho thấy, trung bình có 27% số cổ phần chào bán trúng giá, trong đó, có tới một nửa số doanh nghiệp chỉ bán được dưới 2% tổng số cổ phần chào bán, các nhà đầu tư bên ngoài chỉ mua 267 tỷ đồng, còn lại 3.894 tỷ đồng là trong nội bộ.
Thứ hai, do lạm phát năm cao năm thấp dẫn đến việc giá cả không phản ánh thực chất tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Lạm phát cao sẽ làm phát sinh hiện tượng lãi giả, lỗ thật; lạm phát thấp hơn sẽ làm phát sinh hiện tượng về sổ sách hạch toán thì lỗ, nhưng thực chất là lãi lỗ giả, lãi thật.
Nguyên nhân thứ ba: Thiếu các văn bản pháp lý cần thiết
Hiện nay, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là thực hiện theo các nghị định, thông tư hoặc các quyết định mang tính chất hành chính của các cấp. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, khi kế hoạch cổ phần hóa liên tục bị chậm tiến độ, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, trong năm 2014 Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành một số văn bản pháp luật như: Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chỉ thị số 06/CT-TTg năm 2014 về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước… Nội dung của các văn bản pháp luật đã cho thấy được sự quyết liệt nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng kết quả đạt được lại thấp. Từ đó cho thấy, các văn bản pháp luật này có tính áp đặt pháp lý yếu ớt, nên không khó hiểu khi có một khoảng cách lớn giữa ý chí và quyết tâm của lãnh đạo cấp trên với sự tuân thủ, thực thi của cấp dưới.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề lợi ích, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước do các bộ, các ngành, UBND cấp tỉnh quản lý, các doanh nghiệp này đem lại nhiều lợi ích cho các cơ quan này, thậm chí là các cá nhân, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang nắm giữ thế độc quyền. Điều này, dẫn đến việc các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các văn bản pháp luật ban hành thiếu tính khả thi.
Nguyên nhân thứ tư: Những yếu kém trong tổ chức thực hiện
Việc tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất. Công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước của nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm tiến độ. Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chưa tích cực, chưa quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa.
II. Những kiến nghị để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Một là, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tiến độ và chất lượng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả thấp là do các văn bản pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề đặt ra là cần một văn bản pháp luật có tính pháp lý cao hơn. Vì vậy, rất cần Quốc hội ban hành Nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết của Quốc hội không chỉ mang tính pháp lý cao hơn các văn bản pháp luật hiện hành mà còn một yếu tố quan trọng là sự tham gia của Quốc hội, với vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vào việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ có tác động rất lớn, tạo được sự quan tâm sâu rộng trong xã hội đồng thời nâng cao khả năng giám sát việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hai là, tiến tới Quốc hội ban hành luật về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Cổ phần hóa là một nội dung quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tiếp theo việc Quốc hội ra Nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như trên đã đề cập thì Quốc hội cần ban hành Luật tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội; giá trị tài sản từ ngân sách nhà nước tại một số doanh nghiệp là rất lớn.
Ba là, thúc đẩy quá trình chuyển giao vốn nhà nước cho Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)
Các doanh nghiệp nhà nước do các bộ, UBND cấp tỉnh quản lý đã nảy sinh hàng loạt các vấn đề như nợ xấu, đầu tư ngoài ngành tràn lan, độc quyền do chưa tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp với chức năng quản lý Nhà nước, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trước cũng như sau khi cổ phần hóa, Chính phủ đã thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Hiện nay, tiến độ chuyển giao vốn nhà nước cho SCIC còn chậm, tổng số vốn nhà nước tại SCIC mới chỉ chiếm gần 3% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển giao về cho SCIC làm đại diện chủ sở hữu nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được sắp xếp lại và chưa thuộc quyền quản lý của đơn vị này. Một số bộ, địa phương trì hoãn việc chuyển giao doanh nghiệp hay né tránh chuyển giao cho SCIC bằng cách thực hiện sáp nhập hoặc giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vào các tổng công ty khác hoặc thành lập các tổng công ty nhà nước mới. Trong thời gian tới, SCIC cần phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để thẩm định hồ sơ chuyển giao ngay sau khi nhận được hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đôn đốc các doanh nghiệp còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao nhưng chưa chuyển giao về SCIC.
Bốn là, việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước có giá trị tài sản lớn cần trình Quốc hội quyết định chủ trương
Cũng như các công trình trọng điểm quốc gia cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì một số doanh nghiệp nhà nước có giá trị tài sản lớn khi tiến hành cổ phần hóa cần trình Quốc hội quyết định chủ trương.
Căn cứ vào quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình trọng điểm quốc gia cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư:
“Điều 3. Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư
Dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có một trong các tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia:
1. Tổng vốn đầu tư từ ba mươi lăm nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ mười một nghìn tỷ đồng trở lên”;
Đồng thời Điều 3 Nghị định số 03/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 49/2010/QH12 quy định:
“Điều 3. Tiêu chí vốn đầu tư xác định dự án, công trình quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 1, Điều 3 và khoản 1, Điều 4 của Nghị quyết số 49/2010/QH12
Vốn đầu tư quy định tại khoản 1, Điều 3 và khoản 1, Điều 4 của Nghị quyết số 49/2010/QH12 được tính theo thời giá tháng 6 năm 2010; các dự án, công trình khi xem xét đáp ứng tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải quy đổi vốn đầu tư về thời điểm nêu trên theo Hệ số trượt giá.
Hệ số trượt giá được xác định theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê ban hành”.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp nhà nước có tổng giá trị tài sản từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó phần vốn nhà nước nắm giữ từ 11.000 tỷ đồng trở lên (đã quy đổi theo Hệ số trượt giá) khi tiến hành cổ phần hóa cần phải trình Quốc hội phương án cổ phần hóa để Quốc hội quyết định chủ trương. Ví dụ: hiện nay chúng ta đang tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đây là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, hãng này được định giá ở mức 2,74 tỷ USD và phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1611/QĐ-TTg ngày 10.9.2014. Với giá trị tài sản của Nhà nước như của Vietnam Airlines thì cần thiết phải trình Quốc hội xem xét quyết định phương án cổ phần hóa, điều này là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn phải tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước có giá trị tài sản lớn, việc kiểm kê tài sản, định giá tài sản rất phức tạp trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu không còn nhiều. Việc trình Quốc hội quyết định phương án cổ phần hóa sẽ tránh được sự tùy tiện, gây thất thoát một số tài sản lớn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời những doanh nghiệp có giá trị tài sản trên 35.000 tỷ đồìng đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước, nên khi Quốc hội tham gia quá trình cổ phần hóa sẽ tạo được niềm tin trong xã hội.