Nâng cao chất lượng công tác luân chuyển, điều động công chức, viên chức ngành tài chính

ThS. Lê Văn Nam - Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính)

Triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, ngành Tài chính đã ban hành các văn bản và tổ chức thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, qua đó góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, đồng thời nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, khả năng quản lý điều hành, tạo thuận lợi cho cán bộ phát huy được năng lực, nghiệp vụ chuyên môn... Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan đến công tác này cần lưu ý khắc phục. Bài viết này đánh giá thực trạng công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức trong ngành Tài chính, từ đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện công tác luân chuyển, điều động chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành Tài chính.

Quy định về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác

Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các vị minh quân đã đặt mối họa tham nhũng có ảnh hưởng đến sự phồn thịnh hay suy vong của các triều đại. Để ngăn chặn tình trạng này, Luật Hồi tỵ ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460 – 1497), các quy định xoay quanh việc ngăn chặn những người thân thích với nhau làm việc trong cùng một cơ quan nhà nước. Các quy định hồi tỵ dưới đời Vua Minh Mạng (1820 – 1841) có sự mở rộng về phạm vi so với thời Lê Thánh Tông.

Trong quá trình sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về điều động, bố trí cán bộ: “Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động” và “Phải chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, cố sức làm việc với tinh thần xung phong và thi đua. Làm việc gì phải học tập chuyên môn việc ấy. Thường xuyên tổ chức học tập văn hóa. Qua từng thời gian công tác sẽ luân chuyển về chỉnh huấn chính trị”.

Đảng có chủ trương từ rất sớm về công tác luân chuyển cán bộ. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng được ban hành nhằm cụ thể hóa công tác luân chuyển, điều động cán bộ như: Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về "Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp"; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về "Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"...

Thực trạng công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác tại Bộ Tài chính

Các quy định thể chế hóa chủ trương của Đảng

Tại Bộ Tài chính, trong quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính xác định công tác luân chuyển là khâu đột phá trong công tác cán bộ nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; người đứng đầu đơn vị phải phối hợp tốt với cấp ủy để làm tốt công tác tư tưởng, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của nơi đi và nơi đến; đồng thời, theo dõi, giúp đỡ và tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức Bộ Tài chính; Quyết định số 2626/QĐ-BTC quy định về luân chuyển, điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; Quyết định số 2028/QĐ-BTC về danh mục vị trí công tác và thời hạn điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ về tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng của công chức, viên chức Bộ Tài chính; Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ... để hướng dẫn triển khai công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ đối tượng, thời hạn, phạm vi, quy trình thực hiện tại tất cả các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính, từ các vụ, cục thuộc cơ quan Bộ đến các cấp thuộc Tổng cục.

Đối với các ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BTC quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương.

Kết quả đạt được

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài chính từ Trung ương đến địa phương là 69.661 người, trong đó công chức là 61.060 người, viên chức là 2.317 người, lao động hợp đồng là 6.284 người. Cơ cấu về độ tuổi của công chức, viên chức Bộ Tài chính là tương đối hợp lý, cụ thể: Số lượng công chức trẻ dưới 40 tuổi chiếm 44,05% đối với công chức, 51,99% đối với viên chức; từ 41 tuổi đến 50 tuổi chiếm 29,53% đối với công chức, 35,88% đối với viên chức, từ 51 tuổi đến 60 tuổi chiếm 26,02% đối với công chức, 10,78% đối với viên chức; trên 60 tuổi chiếm 0,41% đối với công chức, 1,35% đối với viên chức. Như vậy, cơ cấu độ tuổi của công chức, viên chức trong ngành Tài chính đang ở độ tuổi “cơ cấu vàng” cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.

Hàng năm, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, toàn Ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác khoảng 10.000 lượt công chức, viên chức. Việc triển khai công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đãm bảo sự ổn định, kế thừa, đào tạo và phát triển của đội ngũ công chức, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, khoa học, hợp lý và phát huy trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị.

Kết quả luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong 03 năm gần nhất 2021-2023 của các Tổng cục được thể hiện ở Bảng 1. Trong giai đoạn 2021- 2023 công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của các Tổng cục đã được thực hiện là 32.799 lượt công chức, viên chức. Đây là một sự cố gắng nỗ lực lớn của Bộ Tài chính.

Đối với bố trí cấp trưởng ngành không phải là người địa phương theo quy định, tính đến ngày 01/5/2024, Tổng cục Hải quan đã bố trí được 29/35 (đạt tỷ lệ 82,8%) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố không phải là người địa phương. Tổng cục Thuế đã bố trí được 44/63 (đạt tỷ lệ 69,8%) Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố không phải là người địa phương; Kho bạc Nhà nước đã bố trí được 38/63 (đạt tỷ lệ 60,3%) Giám đốc Kho bạc tỉnh, thành phố không phải là người địa phương.

Tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Một là, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa bám sát quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, quy định của ngành Tài chính về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác; một số nơi còn biểu hiện cục bộ, chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, việc dựa trên số lượng chức danh theo quy định chưa tạo được sự chủ động, linh hoạt trong công tác luân chuyển, do phải chờ các cơ quan, đơn vị khuyết chức danh theo quy định thì mới có điều kiện để luân chuyển cán bộ; việc kết hợp hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ, gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập.

Ba là, luân chuyển, điều động giữa cơ quan Bộ Tài chính với các Tổng cục, giữa các Tổng cục với nhau còn chưa cân đối, hài hòa; việc luân chuyển, điều động cán bộ từ các Cục ở tỉnh, thành phố về cơ quan Bộ, cơ quan Tổng cục, từ cấp dưới lên cấp trên còn ít.

Bốn là, một số cán bộ luân chuyển chưa nắm chắc kiến thức, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước.

Nguyên nhân của những hạn chế

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do:

Một là, nhận thức, trách nhiệm của một số ít cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ luân chuyển, điều động chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện, chưa thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành.

Hai là, việc triển khai công tác luân chuyển, điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại một số đơn vị chưa được triển khai thường xuyên và đồng đều.

Ba là, một số đơn vị chưa xây dựng kế hoạch dài hạn về luân chuyển, vẫn còn tình trạng công chức đến thời hạn phải thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhưng chưa kịp thời thực hiện theo quy định.

Bốn là, vẫn còn một số công chức, viên chức chưa nhận thức được sự cần thiết của công tác luân chuyển, điều động, chưa thực sự sẵn sàng hoặc biện hộ lý do cá nhân để trì hoãn, gây ảnh hưởng chung đến quy định, hình ảnh và uy tín của ngành.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ luân chuyển năng lực còn hạn chế, chưa yên tâm công tác, có biểu hiện kén chọn địa bàn, chức danh luân chuyển, sau luân chuyển.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức Bộ Tài chính

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành Tài chính, cần thiết phải áp dụng các giải pháp tổng thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến quán triệt Nghị quyết của Đảng quy định của Nhà nước và Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng cho toàn thể đảng viên, công chức, viên chức trong Ngành về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Trong đó, xác định luân chuyển cán bộ là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch; luân chuyển không có nghĩa phải là để được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung, một khâu quan trọng, thường xuyên trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, luân chuyển, điều động cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa cơ quan Bộ Tài chính với các Tổng cục, giữa các Tổng cục với nhau, giữa các Cục tỉnh, thành phố với cơ quan Bộ và các Tổng cục; gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác quy hoạch cán bộ với luân chuyển cán bộ; giữa luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn với tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín.

Thứ ba, cán bộ luân chuyển phải quán triệt sâu sắc quan điểm luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, không phải quan niệm là để lên chức vụ cao hơn; phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến. Cán bộ luân chuyển phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, sức khỏe và thời gian công tác theo quy định.

Thứ tư, giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ tại các đơn vị của ngành Tài chính; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài. Về bố trí chức danh khi luân chuyển, cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực.

Thứ năm, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, hạn chế tư tưởng cục bộ, khép kín, tâm lý thỏa mãn, trì trệ của một bộ phận công chức lãnh đạo trong quy hoạch. Đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ nhằm ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Tiếp tục thực hiện quy định bố trí chức danh lãnh đạo cấp trưởng tại các Cục ở địa phương thuộc các Tổng cục không phải là người địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ;
  2. Bộ Tài chính (2023), Báo cáo thống kê ngành nội vụ năm 2022 số 1830/BTC-TCCB ngày 28/02/2023;
  3. Bộ Tài chính (2023), Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/7/2023 về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức Bộ Tài chính;
  4. Bộ Tài chính (2024), Báo cáo công tác tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính;
  5. Lê Trung Kiên (2024), “Tinh thần Luật “Hồi tỵ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay”, Tạp chí Thanh tra, ngày 11/6/2024, https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/tinh-than-luat-hoi-ty-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-hien-nay-208326.html;
  6. Phương Liên (2022), Luân chuyển cán bộ: Bước tiến mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 11/6/2024, https://baochinhphu.vn/luan-chuyen-can-bo-buoc-tien-mang-tinh-dot-pha-trong-cong-tac-can-bo-cua-dang-102221022143500261.htm.

 

Bảng 1: kết quả luân chuyển, điều động, chuyển đổi
vị trí công tác của các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính
giai đoạn 2021 – 2023 (lượt người)

 

Nội dung

2021

2022

2023

I

Chuyển đổi vị trí công tác

4.329

6.922

4.433

 

Tổng cục Hải quan

774

735

1.429

 

Tổng cục Thuế

2.564

4.037

1.448

 

Kho bạc Nhà nước

956

2,060

1.487

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước

30

74

58

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

5

16

11

II

Điều động

4.433

5.553

6.840

 

Tổng cục Hải quan

1.100

1.399

1.385

 

Tổng cục Thuế

2.667

3.369

4.495

 

Kho bạc Nhà nước

598

716

856

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước

66

67

92

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

2

2

12

III

Luân chuyển

108

63

118

 

Tổng cục Hải quan

15

5

17

 

Tổng cục Thuế

72

48

86

 

Kho bạc Nhà nước

15

5

15

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước

6

5

0

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

0

0

0

 

Tổng cộng

8.870

12.538

11.391

Nguồn: Bộ Tài chính

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024