Nâng cao chất lượng đào tạo từ cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các trường đại học công lập theo quy định đã tạo điều kiện cho các trường đại học được chủ động trong tổ chức hoạt động chuyên môn, gắn việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính với chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trao quyền tự chủ đầy đủ trong mối quan hệ xác định rõ quyền và nghĩa vụ cho các trường đại học công lập là giải pháp chiến lược và là thước đo trình độ quản lý, sự đổi mới của Chính phủ đối với sự phát triển bền vững nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đại học của Việt Nam. Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập đã tạo điều kiện huy động các nguồn lực tài chính, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thu nhập cho giảng viên và người lao động của các trường.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học. Quyền tự chủ của trường đại học được ghi nhận từ năm 2005 trong Luật Giáo dục với các nội dung tự chủ tương tự như ở các nước phát triển. Hiện nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và nhu cầu học tập của nhân dân. Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập (ĐHCL) bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, các trường đã đảm bảo tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước.

Để đánh giá tình hình thực hiện tự chủ tài chính và chi phí đào tạo ở các trường ĐHCL, tác giả tiến hành khảo sát 55 trường ĐHCL trên cả nước. Kết quả cho thấy, hầu hết các trường ĐHCL đều nhận định việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các trường đại học theo quy định của Chính phủ đã có tác động tích cực đến quá trình sử dụng nguồn lực tài chính cũng như góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập

Thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học (GDĐH) tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Mục tiêu đổi mới cơ chế tài chính các trường đại học công lập (ĐHCL) được thể hiện tại Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) từ năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 49/2009/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014–2015.

Đặc biệt, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các ĐVSNCL nói chung và các trường ĐHCL nói riêng; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Nâng cao chất lượng đào tạo từ cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập - Ảnh 1

Khung khổ pháp lý trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường ĐHCL triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ về tài chính. Cơ chế này đã tác động tích cực đến nhiều khía cạnh của các trường ĐHCL, đặc biệt là nguồn thu, sử dụng nguồn lực tài chính, thu nhập. Cụ thể, tổng nguồn thu của các trường có xu hướng tăng lên qua các năm, tuy nhiên cơ cấu nguồn thu chưa có sự thay đổi nhiều giữa giai đoạn trước và sau khi thực hiện tự chủ; thu sự nghiệp (chủ yếu là thu từ học phí và lệ phí) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 70%) và còn phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo và mức tăng học phí.

Theo số liệu khảo sát 55 trường ĐHCL trên cả nước cho thấy, trung bình trên 70% nguồn thu của các trường là từ thu sự nghiệp, tuy nhiên sự khác biệt về nguồn thu sự nghiệp giữa các trường ĐHCL rất lớn. Sự khác biệt này cho thấy, việc áp dụng chung một cơ chế tự chủ tài chính cho tất cả các trường ĐHCL là chưa đồng đều. Có thể thấy, tỷ lệ này rất cao với các trường thuộc nhóm tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên (như các trường đại học: Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân hay Kinh tế TP. Hồ chí Minh).

Trong những năm qua, việc triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các trường ĐHCL đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

Thứ nhất, thông qua triển khai cơ chế tự chủ tài chính, các trường ĐHCL được chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng phù hợp với đặc thù của đơn vị, góp phần tiến tới quản lý hoạt động của đơn vị theo đầu ra, giảm dần việc quản lý theo các yếu tố đầu vào theo cơ chế quản lý tài chính công.

Thứ hai, góp phần thúc đẩy các trường ĐHCL mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Nhiều hình thức đào tạo đa dạng đã được mở ra như đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên; đào tạo tập trung và đào tạo từ xa; vừa học vừa làm, bồi dưỡng; tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước; mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy…

Số liệu khảo sát cũng cho thấy, khoảng 79% số trường ĐHCL phản ánh chính sách tự chủ tài chính đã có tác động tích cực đến thu nhập của tập thể cán bộ và giảng viên nhà trường (đa số các trường chi trả hệ số thu nhập tăng thêm cho người lao động khoảng từ 1-1,5 lần so với thu nhập từ tiền lương cơ bản).

Cá biệt, một số trường ĐHCL được phép thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đảm bảo hoàn toàn chi thường xuyên đã có điều kiện chi trả thu nhập cao hơn nhiều lần so với thu nhập từ tiền lương cơ bản, điển hình như Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tăng bình quân khoảng 4,5 lần so với trước khi áp dụng cơ chế tự chủ tài chính.

Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho GDĐH còn hạn hẹp thì việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tại các trường ĐHCL là tất yếu, để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển GDĐH. Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL đã mở ra, tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐHCL góp phần nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng NSNN được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, nguồn tăng thu của các trường đại học hiện nay vẫn là tăng quy mô đào tạo chưa huy động được các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước…

Với cơ chế tự chủ tài chính, hiện nay một số trường đại học được tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ. Trong thời gian dài, do bị khống chế về trần học phí, mức trần học phí thường thấp, thu không đủ chi, cho nên một số cơ sở giáo dục ĐHCL xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.

Một số khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các trường ĐHCL cũng gặp một số khó khăn, cần được tháo gỡ, cụ thể:

Thứ nhất, khả năng tự chủ tài chính của các trường ĐHCL về kinh phí chi thường xuyên thấp. Theo đúng phương thức và định mức phân bổ hiện hành cộng với khung học phí bị bó hẹp và thấp như hiện nay, các ĐHCL khó có khả năng tự chủ các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi lương và các khoản có tính chất lương. Các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ bản phụ thuộc chủ yếu vào nguồn NSNN nhưng nguồn này được phân bổ rải rác hàng năm, có những dự án bị giải ngân quá lâu do đầu tư dàn trải, dẫn đến lãng phí và không hiệu quả.

Thứ hai, quyền tự chủ của các trường ĐHCL về chuyên môn còn hạn chế. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã ban hành có nhiều chủ trương chính sách để các trường ĐHCL triển khai thực hiện tự chủ nhưng đến nay, những nội dung thực tế đảm bảo cho các ĐHCL thực hiện quyền tự chủ chưa được quán triệt.

Thứ ba, một số trường ĐHCL còn lúng túng trong xây dựng và triển khai quy chế chi tiêu nội bộ; không có khả năng cân đối thu chi, các đơn vị thường lập dự toán thu sự nghiệp thấp hơn nhiều so với thực hiện; một số trường xây dựng quy chế thi tiêu nội bộ rất chi tiết nhưng có một số nội dung chi và mức chi không phù hợp.

Đề xuất, kiến nghị

Khi đánh giá, kiểm định chất lượng trường ĐHCL, thì nguồn lực tài chính và công tác quản lý tài chính là 1 trong 10 tiêu chuẩn để xem xét. Theo đó, trường đại học phải có các giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, có một hệ thống quản lý chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Nhà nước; công tác lập kế hoạch tài chính được chuẩn hóa, công khai hóa, minh bạch và theo đúng quy định; thực hiện phân bổ và sử dụng tài chính hợp lý, công khai, minh bạch và có hiệu quả. Cụ thể:

Một là, chu trình quản lý tài chính bắt đầu từ bước lập dự toán, giao dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách cho đến các khâu tự kiểm tra tài chính, thẩm định kiểm tra báo cáo tài chính của các cơ quan quản lý và cuối cùng là công khai tài chính. Chu trình này đòi hỏi nhà trường cần có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, có trình độ để đảm bảo hiệu quả các chi tiêu trong nhà trường, đảm bảo tính minh bạch, chính xác…

Hai là, việc phân tích hoạt động tài chính chính xác, thực hiện cơ chế tự chủ phù hợp sẽ giúp cho việc định hướng phát triển nhà trường theo đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nhà trường và xã hội. Trong thực tế, dù còn hạn chế nhưng hệ thống các ĐHCL ở Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò chủ lực trong hệ thống giáo dục quốc dân, có ảnh hưởng và uy tín nhất định trong đào tạo đại học ở khu vực và trên thế giới.

Ba là, trao nhiều quyền tự chủ về mức thu hơn nữa cho các trường ĐHCL, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở GDĐH công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở GDĐH công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí. Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận GDĐH.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017;
2. Chính phủ, các nghị định: Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015;
3. Bộ Tài chính (2011), Đánh giá tình hình thực hiện tự chủ tài chính và định hướng đổi mới cơ chế tài chính đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2012 – 2020;
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 – 2017.