Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

Quý I/2017 tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt mức 4,03% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu của hệ thống ngân hàng năm 2017 là đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó, tập trung xử lý nợ xấu. Điều này đòi hỏi các nhà băng phải kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh.

Phân bổ tín dụng theo năng lực tài chính

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2017 đề ra là 18%, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phù hợp với thực trạng nền kinh tế và nợ xấu hiện hữu. Ngay từ đầu năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tung ra rất nhiều gói tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ đời sống. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước chi phối quanh mức 7,5%/năm, các NHTM cổ phần khoảng 8,5% - 9,5%/năm.

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh được Chính phủ khuyến khích, ngân hàng cho vay dưới mức 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND. Theo đó, kết thúc quý I/2017 tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt mức 4,03% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm qua.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm nay 18%, nhưng mỗi ngân hàng lại có chỉ tiêu cụ thể khác nhau tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh và quá trình tái cơ cấu của mình. Chẳng hạn, ACB, LienVietPostBank, đầu năm được giao mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 là 16% (năm 2016 ACB tăng trưởng tín dụng 21%), một số NH có quy mô lớn năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14-15%... Tuy nhiên, cũng có một thực tế thông thường sau quý II, III các ngân hàng lại đề xuất nới room tăng trưởng tín dụng với lý do phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.
Lâu nay NHNN phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa theo năng lực tài chính và hoạt động kinh doanh của mỗi NHTM. Ví như đến cuối năm 2016 tổng dư nợ của BIDV đã đạt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng thì một phần trăm tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã tương đương với số vốn 10.000 tỷ đồng đưa ra thị trường, gần bằng 30%-40% tổng dư nợ tín dụng một NHTM cổ phần quy mô nhỏ.
Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay tiếp tục được NHNN kiểm soát đối với những khu vực có rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, hạ tầng). Mặc dù nợ xấu đến cuối năm 2016 được kiểm soát ở mức 2,46% (chưa bao gồm các khoản nợ VAMC), nhưng trong năm 2017 vẫn còn những rủi ro ngoài ý muốn từ môi trường kinh doanh.
Như yếu tố lạm phát, hệ thống ngân hàng vẫn trong quá trình tái cấu trúc, khu vực bất động sản mới chỉ thực sự ấm lên ở phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp.
Từ đó, giới chuyên môn cho rằng nguồn tín dụng chảy vào bất động sản năm nay sẽ không nhiều và đặc biệt là các NHTM phải thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 60% xuống 50% trong năm nay. Nên các doanh nghiệp cũng nên có hướng tìm nguồn vốn khác thay vì chờ đợi tín dụng NH để đầu tư vào các khoản không được khuyến khích như bất động sản, các dự án giao thông…
Hạn chế nợ xấu phát sinh
Trong một diễn đàn kinh tế do HSBC tổ chức ở Việt Nam vừa qua, ông Vincent Conti, chuyên gia kinh tế đến từ Tổ chức xếp hàng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor's (S&P) cho rằng, rủi ro tín dụng là điểm quan trọng nhất ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc gia.
Ông Vincent Conti cũng nhìn nhận nợ xấu hiện nay của Việt Nam đã giảm đáng kể so với cách đây 4 năm. Nhưng nhu cầu vay vốn qua hệ thống ngân hàng của nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chậm, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp như dùng VAMC nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc lấy nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các nhà băng chứ chưa thực sự xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu này.
Chuyên gia của S&P khuyến cáo, một quốc gia thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) như Việt Nam, trong khi nợ xấu ngân hàng vẫn còn những tồn tại, cần cải thiện nhiều hơn chất lượng tín dụng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam.
Gần đây một số NHTM đã có động thái mua lại một số khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý, còn đối với dự án thì dùng hình thức chuyển nhượng, tự thu hồi nợ… Bên cạnh các giải pháp xử lý nợ xấu hiện hữu, trong một diễn đàn mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sẽ để mở cơ hội mở room 100% cho nhà đầu nước ngoài vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. “Quan trọng chính là mình muốn bán cái mình cần bán, hay bán cái thị trường cần, để thu hút vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém”, một chuyên gia tài chính nói.