Nâng cao điều kiện chào bán chứng quyền có bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan quản lý
Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 theo Quyết định số 2301/QĐ-BTC ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã xây dựng và lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về chứng quyền có bảo đảm (CW).
So với Thông tư trước đây, Dự thảo Thông tư đã được Bộ Tài chính xem xét bổ sung điều kiện đăng ký chào bán chứng quyền, cũng như làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Theo Thông tư số 107/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, các công ty chứng khoán đăng ký chào bán chứng quyền bảo đảm phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán. Các Công ty chứng khoán bị đặt trong tình trạng ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thế, phá sản không được phép đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm.
Ngoài ra, trong hồ sơ đăng ký chào bán CW, tổ chức phát hành phải có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua Điều lệ có điều khoản về quyền của người sở hữu chứng quyền, thông qua chủ trương chào bán và giá trị chào bán, phương án bảo đảm thanh toán khi tổ chức phát hành bị mất khả năng thanh toán, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản.
Dự thảo Thông tư có bổ sung, công ty chứng khoán đó không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ.
Báo cáo tài chính kỳ gần nhất của công ty không có kết luận ngoại trừ của công ty kiểm toán. Trường hợp có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán.
Dự thảo Thông tư cũng làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn chứng quyền có bảo đảm.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm ban hành các quy trình nghiệp vụ, quy chế hoạt động quy định tại Thông tư này, đồng thời, tổ chức nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền trực tiếp tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc qua đường bưu điện, hoặc qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Về phía Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cơ quan này có trách nhiệm ban hành quy chế nghiệp vụ liên quan đến đăng ký, chấp thuận, hủy bỏ niêm yết chứng quyền quy định tại Thông tư.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) có trách nhiệm tổ chức thị trường giao dịch chứng quyền, ban hành quy trình nhận hồ sơ đăng ký, hủy bỏ niêm yết chứng quyền có bảo đảm, công bố danh sách chứng khoán đáp ứng điều kiện làm chứng khoán cơ sở của chứng quyền và hạn mức còn được phép chào bán theo quy chế nghiệp vụ do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành.
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm ban hành quy chế nghiệp vụ liên quan đến đăng ký, lưu ký chứng quyền quy định tại Thông tư và ban hành quy trình nhận hồ sơ đăng ký, lưu ký chứng quyền trực tiếp tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc qua đường bưu điện, hoặc qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến.