Nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ: Nhìn từ cách làm của tỉnh Hải Dương
(Taichinh) - Hải Dương hiện là một trong những địa phương chủ động và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá các loại nông sản, trong đó có các loại quả chủ lực như vải, ổi, na nhằm nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho thấy hiện toàn tỉnh có khoảng 11.000 ha vải, sản lượng ước đạt khoảng 50.000 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, trong đó 251,6 ha diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay trà vải sớm đang cho thu hoạch, vải thiều đang đẫy cùi và báo mã. Dự kiến vải sớm sẽ cho thu hoạch rộ từ ngày 23 đến 30/5. Giá bán vải sớm hiện đang dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg. Trà vải thiều sẽ cho thu hoạch từ đầu tháng 6.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết 2015 là năm đầu tiên Hải Dương xây dựng vùng sản xuất vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và Australia với tổng diện tích trên 18 ha, sản lượng ước đạt 120 tấn.
Trong khi đó, diện tích na toàn tỉnh đạt 912 ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Chí Linh, với sản lượng bình quân 13.000 tấn/năm và trên 1.400 ha ổi, chủ yếu ở Thanh Hà, sản lượng bình quân 33.000 tấn/năm.
Trong thời gian qua, để thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm, tỉnh Hải Dương đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị thu mua trong và ngoài nước để tiêu thụ nông sản, nhất là quả vải tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chia sẻ về chuyến công tác kết nối tiêu thụ vải thiều mới đây giữa Hải Dương và TP. Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: “Khi đoàn công tác của tỉnh tổ chức hội nghị trao đổi, tìm kiếm thông tin thị trường tại đây, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng như các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ vải cho tỉnh ta đều cam kết sẽ nhanh chóng lập đầu mối, liên hệ với chính quyền và người dân trồng vải ở tỉnh ta để thu mua vải với khối lượng lớn nhất có thể. Các đơn vị đầu mối thu mua vải thiều ở TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp danh sách các thương nhân thu mua vải để tỉnh ta sớm liên hệ, tạo điều kiện. Ngoài ra, phía bạn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp cũng như tiểu thương phân phối và bán vải thiều Hải Dương tại các chợ và siêu thị”.
Bà Vũ Thị Hà cũng cho biết sắp tới, một số đơn vị trong TP. Hồ Chí Minh sẽ ra tỉnh Hải Dương để ký kết hợp đồng tiêu thụ vải cho bà con nông dân. Sự kết nối kịp thời từ các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương với các đơn vị tiêu thụ sẽ giúp nông dân tỉnh Hải Dương bán vải thuận lợi hơn.
Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường
Mới đây, Đoàn công tác của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro Hà Nội) vừa cùng với UBND huyện Thanh Hà bàn các giải pháp tiêu thụ vải VietGAP cho nông dân. Vải Thanh Hà sẽ có mặt ở tất cả hệ thống phân phối của Hapro Hà Nội. Hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên cùng với các cộng tác viên bán hàng của doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm vải thiều Hải Dương đến mọi nơi của Thủ đô.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, kể từ đầu tháng 5 trở lại đây đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp cũng như thương nhân trong và ngoài nước đến những vùng vải của huyện để bắt mối tiêu thụ vải thiều.
Để tăng cơ hội tiêu thụ vải, UBND huyện Thanh Hà đã gửi 200 thư mời đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước, cử đoàn đi khảo sát tình hình tiêu thụ vải tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai và Lạng Sơn; học tập kinh nghiệm tiêu thụ vải của Bắc Giang.
Đặc biệt, một trong những sự kiện thu hút được dư luận gần đây là ngày 25/5/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải, ổi, na tỉnh Hải Dương năm 2015. Rất nhiều vấn đề nóng được bàn luận về việc làm sao tìm hướng đi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất nông sản gắn với thị trường tiêu thụ; các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ để nông dân yên tâm sản xuất; công nghệ, thiết bị bảo quản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu nông sản; cung cấp thông tin thị trường, rào cản kỹ thuật để tiêu thụ thuận lợi trong nước và xuất khẩu...
Tại hội nghị lần này, các địa phương đề xuất kinh nghiệm sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm và chủ động liên kết tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm… Trong khi đó, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Hải Dương cần tạo điều kiện tìm nguồn cung sản phẩm bảo đảm chất lượng và sản lượng theo yêu cầu; Hỗ trợ nơi đỗ xe, phân luồng giao thông và chống gian lận thương mại…
Về phía địa phương, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiếp cận với khoa học kỹ thuật, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần tăng cường liên doanh, liên kết, thu mua, bao tiêu nông sản cho nông dân với giá tốt nhất. Các địa phương có cảng biển, biên giới tạo điều kiện về thủ tục, cung cấp kịp thời các thông tin thị trường nước bạn để tỉnh chủ động điều tiết việc cung ứng sản phẩm, bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng quảng bá nông sản tỉnh để giúp địa phương nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ.