Tìm đầu ra cho nông sản
(Taichinh) - Hầu hết báo cáo được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng nay đều đề cập tới tình trạng "được mùa, mất giá" của người nông dân.
Những trăn trở nêu trên được đề cập ngay trong báo cáo của Chính phủ, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đầu phiên, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Toàn cảnh Kỳ họp giữa năm của Quốc hội |
Cụ thể, Chính phủ cho biết nông nghiệp hiện là lĩnh vực đặc biệt khó khăn trong thời gian qua. Xuất khẩu nông - lâm và thủy sản giảm đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch chung của cả nước, trong đó tiêu thụ nông sản đối mặt nhiều thách thức lớn, với những sản phẩm như gạo, cao su, cà phê... Nguyên nhân chính là việc thực hiện đề án tái cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, đất canh tác lúa kém hiệu quả.
Không chỉ Chính phủ, việc nông dân gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi cũng là vấn đề được các cử tri quan tâm, lo lắng. Theo báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, hiện nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch đã dẫn tới nông sản không tìm được đầu ra ổn định và bị ép giá.
Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới để tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng tình với ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng triển khai vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.