Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp
Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp. Khắc phục những tồn tại để phát huy được hết khả năng của loại hình này đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay là yêu cầu cấp bách.
Chưa phát huy hết năng lực
Các hợp tác xã nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong chuỗi hoạt động cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên. Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước hiện có hơn 10.500 hợp tác xã nông nghiệp và số lượng hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới mỗi năm đều tăng cao.
Tuy nhiên, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ có 9% hợp tác xã cung cấp được dịch vụ đầu ra. Hơn 90% hợp tác xã không tham gia vào hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản và kết nối nông dân với doanh nghiệp.
Hiện nay, cả nước chỉ có chưa đến 10% hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, khoảng 60-70% hợp tác xã hoạt động cầm chừng, số hợp tác xã phải dừng hoạt động mỗi năm rất lớn. Quy mô của tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhỏ, số lượng nông dân tham gia còn thấp và chưa thực sự mặn mà với hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã vẫn chưa chuyển đổi theo quy định của Luật hợp tác xã 2012…
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia chỉ ra đó là năng lực của các hợp tác xã còn yếu, công nghệ lạc hậu, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp với những biến động của thị trường...
Hướng đi cho hợp tác xã hiện nay
Trả lời phỏng vấn báo chí về hướng đi cho mô hình hợp tác xã hiện nay, GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương từng đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu để phát triển, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng trong thời gian tới.
Một là, đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đó là nhận thức đúng đắn về hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới về tính chất, mục tiêu tổ chức, quan hệ giữa hợp tác xã và thành viên, tài sản chung, phân chia lợi nhuận...
Hai là, thực hiện tốt việc chuyển đổi các hợp tác xã thành lập trước thời điểm có Luật hợp tác xã 2003. Rà soát, đánh giá lại, xác định rõ nguồn gốc tài sản hình thành, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài, xem xét giảm bớt số thành viên sản xuất tự cấp, tự túc, nhu cầu hợp tác không cao.
Ba là, thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các hợp tác xã kiểu mới phát triển, đồng thời phát huy vai trò của quỹ phát triển hợp tác xã, thực hiện các chính sách thu hút các cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã…
Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách phát triển hợp tác xã, nghiên cứu xây dựng ban hành nghị định riêng về hợp tác xã trong nông nghiệp. Tăng cường năng lực, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Năm là, gắn việc xây dựng hợp tác xã với xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể.