Hưng Yên:

Đẩy nhanh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

PV.

Là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là bước đột phá quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Trong những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hưng Yên bước đầu đã được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Hưng Yên đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của máy móc, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nguồn: internet
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Hưng Yên đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của máy móc, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nguồn: internet

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, tại hầu khắp các địa phương trong cả nước, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chú trọng. Nhiều loại máy móc, thiết bị đã được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Hưng Yên đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của máy móc, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần quan trọng đưa Hưng Yên hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại Hưng Yên, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã được quan tâm đầu tư. Theo đó, báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, số lượng máy cơ giới được sử dụng trong các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp phân bố tương đối đồng đều tại các huyện, thành phố và tương ứng với tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, thống kê cho thấy, trong khâu làm đất, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 64 máy kéo lớn và trung bình, 2.107 máy kéo nhỏ, tỷ lệ cơ giới hoá đạt trên 90%. Việc làm đất chủ yếu sử dụng máy kéo nhỏ, có ưu điểm phù hợp với khả năng vốn đầu tư của hộ gia đình, máy làm được trên các ruộng diện tích nhỏ, chân ruộng vàn có độ cản kéo trung bình và nhẹ, có tầng canh tác vừa phải.

Đối với khâu gieo cấy, toàn tỉnh Hưng Yên có 779 công cụ sạ hàng lúa, cơ bản đáp ứng nhu cầu và diện tích gieo sạ. Dù có giá thành thấp, dễ sử dụng, giảm chi phí sản xuất công lao động, tiết kiệm giống, năng suất lúa tăng, song công cụ này chỉ thích hợp với chân ruộng chủ động được việc tưới, tiêu nước; đất gieo sạ phải làm kỹ, nhuyễn, bằng phẳng…

Thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong các năm 2011, 2012 và 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ nông dân xã Bắc Sơn (Ân Thi), xã Phùng Chí Kiên, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào) và xã Lạc Đạo (Văn Lâm) mua 4 máy gặt đập liên hợp với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/máy.

Bên cạnh đó, do yêu cầu, đặc điểm của sản xuất, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trang bị các phương tiện cơ giới để chủ động sản xuất cho gia đình, đồng thời làm dịch vụ cho các hộ nông dân khác trong việc bơm tưới, thu hoạch, vận chuyển, tuốt lúa… Đáng chú ý nông dân ở một số địa phương như: Trai Trang (Yên Mỹ), Hồng Tiến (Khoái Châu)... đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa để xay xát, chế biến gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá máy cấy cao, trình độ sử dụng máy của nông dân và tính năng phù hợp của máy còn hạn chế nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư sử dụng.

Một số giải pháp trọng tâm

Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng đến nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên vẫn còn hạn chế. Do chi phí đầu tư cao trong khi kiến thức hiểu biết của người dân còn thấp nên nhiều hộ dân vẫn ngần ngại trong việc đầu tư mua, cho thuê máy móc. Điều này khiến cho tổn thất và chi phí sau thu hoạch còn cao. Để đẩy nhanh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, về cơ chế, chính sách: Cần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư, vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng để trang bị các loại máy móc phục vụ sản xuất. Cần có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu, phát minh, sản xuất máy cơ giới hóa, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, gắn với mục tiêu cụ thể, phát triển theo đúng đinh hướng ngành trong giai đoạn tới. Ngân sách địa phương chỉ nên tập trung kinh phí hỗ trợ một phần đầu tư mua máy, thiết bị phục vụ phát triển cơ giới hóa, vật tư xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, tập huấn kỹ thuật...

Hai là, về công tác quy hoạch: Cần có quy hoạch tổng thể vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, nghiên cứu các loại giống cây trồng phù hợp tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chế tạo và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.

Ba là, về kỹ thuật, khoa học công nghệ: Cần khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao phù hợp kinh tế - xã hội và đặc điểm đồng đất của tỉnh. Củng cố, thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở phân phối, cung cấp, bảo hành, sửa chữa máy ở các địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những hình thức ưu đãi đối với người mua máy cơ giới nông nghiệp như: bán hàng trả chậm, bảo trì, bảo hành, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng…

Bốn là, giải pháp về đào tạo, tập huấn: Khuyến khích và tạo điều kiện thu hút nông dân tham gia đào tạo chính quy, chuyên sâu về lĩnh vực cơ giới hóa. Chú trọng công tác chuyển đổi lực lượng lao động phù hợp, đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng…, đáp ứng nhu cầu hiện nay và lâu dài. Địa phương cần chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phương tiện bố trí nguồn kinh phí cho công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật sử dụng, bảo quản và sửa chữa máy nông nghiệp cho các tổ hợp tác dịch vụ, hộ nông dân sử dụng máy cơ giới nông nghiệp để nâng cao năng lực quản lý, sử dụng máy đạt hiệu quả kinh tế; đào tạo đội ngũ công nhân sửa chữa dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cơ giới hoá nông nghiệp của các tỉnh, các doanh nghiệp trong khu vực...

Năm là, về công tác thông tin, tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của Tỉnh, về hiệu quả của việc cơ giới hóa sản xuất, góp phần giải quyết khó khăn về lao động, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đặc biệt góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con về việc chú trọng đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai thác triệt để hiệu quả, công suất các loại máy móc, nhất là máy cày, kéo, máy gặt đập liên hợp…