Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra văn bản pháp luật


Trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nhất là tăng cường các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã kiểm tra 11.676 VBQPPL

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2022, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và quyết liệt trong kiến nghị xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật. Trong năm, toàn Ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 11.676 VBQPPL. Trong đó Bộ, ngành đã kiểm tra 7.708 VBQPPL; địa phương kiểm tra 3.968 VBQPPL.

Một số bộ, ngành đã chú trọng kiểm tra văn bản theo thẩm quyền như: Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính... Riêng tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.586 văn bản (gồm 341 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 4.245 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh), tăng 32,32% so với năm 2021.

Công tác rà soát VBQPPL được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo quy định. Theo thống kê, toàn Ngành đã tập trung rà soát được 27.830 VBQPPL, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.729 văn bản (tăng 2,7% so với năm 2021).

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát được số lượng lớn văn bản trong năm 2022 như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế...

Các bộ, ngành đã nỗ lực tham mưu, thực hiện kịp thời nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL, đặc biệt, đã tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm VBQPPL còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành; tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung quy định cụ thể liên quan đến một số luật theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát VBQPPL gây vướng mắc, cản trở trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán.

Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu, tập trung thực hiện pháp điển hệ thống QPPL với tinh thần khẩn trương, theo đó, đến nay, đã cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra (đã hoàn thành 263/271 đề mục, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển), giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu, quản lý các QPPL đang còn hiệu lực, góp phần nâng cao tính thống nhất, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL gặp một số khó khăn, hạn chế như: Trong một số trường hợp, một số bộ, ngành, địa phương còn có hiểu khác nhau và gặp lúng túng khi áp dụng một số quy định như: phân cấp, phân quyền trong xây dựng VBQPPL chưa cụ thể, rõ ràng; chất lượng đánh giá tác động của chính sách chưa cao; ban hành VBQPPL theo trình tự thủ tục rút gọn. Một số VBQPPL của bộ, ngành, địa phương còn có nội dung chưa phù hợp với các quy định tại các VBQPPL có hiệu lực cao hơn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL, nhất là tăng cường các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định.

Tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL để rà soát, xử lý các quy định pháp luật bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Chú trọng phát huy vai trò của Tổ công tác đối với những việc cụ thể, phức tạp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành.

Cùng với đó, bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.../.

Theo Vy Anh/dangcongsan.vn