Bộ Tài chính chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật

PV.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tập trung làm tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách.

Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật.
Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật.

Chủ động trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ Tài chính thực hiện theo các nội dung, nhiệm vụ và tiến độ được giao tại Quyết định số 32/QĐ-BTC ngày 11/1/2022 về ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính năm 2022.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-BTC ngày 26/01/2022 về công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính năm 2021 và tham gia ý kiến Kế hoạch công tác năm 2022 của Tổ công tác của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đề nghị, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật như: góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Đảng Đoàn Quốc hội; rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 theo yêu cầu của Hội đồng dân tộc...

Chú trọng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Công tác kiểm tra văn bản được coi là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Tài chính và được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã tự kiểm tra 30 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền. Trong khi đó, công tác kiểm tra văn bản của quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến lĩnh vực tài chính đã được triển khai kịp thời, đầy đủ, theo sát thực tế ban hành văn bản, nhất là các văn bản liên quan trực tiếp, rộng rãi đến quyền lợi người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.

Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành hàng năm và công văn của Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tự kiểm tra và gửi danh mục các văn bản về Bộ Tài chính để thực hiện việc kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy các văn bản cơ bản đều được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục; không có nội dung sai phạm.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-BTC ngày 20/1/2022 về ban hành Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, trong đó có nội dung về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Coi trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật

Bộ Tài chính khẳng định, thực hiện trong thời gian qua, Bộ luôn coi trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật và xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật.

Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-BTC ngày 23/12/2021 về Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2022, kế hoạch đã xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ thực hiện và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong triển khai các nhiệm vụ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; báo cáo chỉ số tuân thủ pháp luật (B1); chỉ số sáng tạo (GII).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các cuộc thanh tra đã thực hiện; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ đồng thời yêu cầu việc xây dựng đề cương, kế hoạch và triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của Ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 19.128 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 371.404 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 16.053,32 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 4.128,97 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 10.735,84 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.188,5 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 3.387 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.