Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Quản trị chiến lược, tài chính và nhân lực là những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả, thành công, phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Nhìn lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước
Sau hơn 20 năm thực hiện sắp xếp và tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 31/12/2013, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm khá nhiều từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào năm 1992 xuống còn 949 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Số ngành, lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước tham gia cũng giảm từ 43 xuống còn 20. Tuy số lượng ngày càng giảm nhưng trong nhiều năm qua các doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế của đất nước (khoảng 30% GDP).
Cùng với các thành phần kinh tế khác, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng như hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, năng lượng, thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị, cũng như xây dựng nhiều công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội.
Doanh nghiệp nhà nước luôn được coi là công cụ chủ yếu để Nhà nước thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó mỗi khi có những biến động tiêu cực của thị trường, đặc biệt trong thời kỳ khủng khoảng kinh tế thế giới nhằm kiềm chế lạm phát. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp nhà nước cũng được coi là lực lượng cần thiết, chủ yếu của Nhà nước để thực hiện các chính sách an sinh xã hội như cung cấp những dịch vụ công thiết yếu, tham gia cứu đói, cứu trợ cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự quốc phòng ở khu vực biên giới, hải đảo…
Hiện các doanh nghiệp nhà nước nhất là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đều chiếm giữ vị trí quan trọng trong những ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt, hay ở các lĩnh vực đòi hỏi cần có trình độ công nghệ cao, an ninh, quốc phòng, tại các địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc các thành phần kinh tế khác ít tham gia hay chưa được tham gia.
Mặc dù vậy, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn đặt ra nhiều vấn đề, nổi bật nhất là những vấn đề sau:
Một là, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước dành cho. Các doanh nghiệp nhà nước đã được nhận ưu đãi, không chỉ được sử dụng nguồn vốn rất lớn của Nhà nước, mà còn nhiều nguồn lực khác như thuận lợi khi tiếp cận đất đai, quyền khai thác tài nguyên hay quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù vì được kỳ vọng sẽ giữ vai trò chi phối nền kinh tế quốc dân, hay giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hoặc là đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, mở đường, hướng dẫn các thành phần khác cùng phát triển, làm lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết và quản lý vĩ mô.
Tuy nhiên, trong thực tế các doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế hay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa đạt được đến trình độ cao trong những ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định tới công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là lực lượng nòng cốt để Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, song có những thời điểm các doanh nghiệp nhà nước lại bị coi là chất xúc tác làm trầm trọng thêm những bất ổn bởi sự độc quyền và việc đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nhưng không có hiệu quả. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp đã bị thua lỗ, có cơ cấu tài chính bấp bênh, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, không bảo đảm được khả năng thanh toán.
Hai là, lẽ ra được hưởng nhiều nguồn lực thì các doanh nghiệp nhà nước phải là những đầu tàu của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh cao, nhưng trong thực tế năng lực cạnh tranh còn rất nhiều hạn chế. Bởi, nhiều doanh nghiệp không tập trung đầu tư, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cốt lõi mà chỉ đi tìm kiếm sự đầu tư ngoài ngành để thu lợi nhuận, do đó không tạo dựng được lợi thế và năng lực cạnh tranh mới trên trường quốc tế, thiếu tầm nhìn chiến lược, không xác định được cụ thể sứ mệnh, định vị giá trị cần hướng tới trong bối cảnh và quá trình phát triển ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều sản phẩm và dịch vụ công ích do các doanh nghiệp nhà nước cung cấp thậm chí còn yếu kém về chất lượng ví dụ như những hạn chế trong bảo trì mạng lưới giao thông đường bộ, thủy; các dịch vụ công trong vấn đề thoát nước ở đô thị, chiếu sáng công cộng; chất lượng của hệ thống thủy lợi, đê điều; vận tải công cộng; giáo dục, y tế…
Những vấn đề yếu kém khác của doanh nghiệp nhà nước đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập. Chính vì vậy, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết tâm để các doanh nghiệp này thực sự giữ vị trí then chốt và kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước
Thực tế cho thấy, để quản trị doanh nghiệp tốt cần xác định rõ cơ chế, quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên, quy trình khi ra các quyết định quan trọng... Có 3 vấn đề quản trị mà các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhà nước cần coi trọng: quản trị chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh; quản trị tài chính và quản trị nguồn nhân lực.
Về quản trị chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đây là việc xây dựng và xác định các mục tiêu chiến lược, đề ra những chính sách và kế hoạch một cách bài bản cho sự hoạt động và phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Về vấn đề này, hiện phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam thường mới tập trung vào hoạch định chiến lược ở tầm trung và ngắn hạn (dưới 5 năm). Và, tuy đối tượng tham gia xây dựng chiến lược đã được mở rộng nhiều so với những năm trước đây nhằm bảo đảm tính khách quan, song các chiến lược mới chủ yếu xác định mục tiêu, lĩnh vực kinh doanh, chứ chưa có sự phân tích sâu sắc những yếu tố nội tại của doanh nghiệp, cũng như dự báo các tác động bên ngoài để bảo đảm thành công.
Sau mỗi thời kỳ thực hiện cũng không chú trọng đánh giá việc thực hiện để rút kinh nghiệm. Nhằm nâng cao chất lượng quản trị chiến lược doanh nghiệp, có nhiều việc cần làm, nhưng trước hết với thực tế hiện nay các cấp lãnh đạo cần thay đổi tư duy dựa dẫm vào những ưu đãi mà Nhà nước dành cho thì mới thực sự cạnh tranh công bằng với những doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Đây là việc làm khó song chỉ khi từ bỏ được những lợi ích trước mắt, phấn đấu dựa trên nội lực doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Ngoài ra, chiến lược cần tập trung vào những ngành nghề chính đã quy định, phát huy được sức mạnh tổng hợp, khắc phục những yếu kém hiện nay.
Để làm được điều này rất cần có người lãnh đạo năng lực, có tầm nhìn, có tâm huyết, tinh thần chịu trách nhiệm cao. Song cơ chế bổ nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay còn nhiều vướng mắc. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nên chăng phải quy định người đại diện có một tỷ lệ vốn sở hữu nhất định tại doanh nghiệp, bởi có như vậy mới ràng buộc trách nhiệm của họ, từ đó sẽ nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Về quản trị tài chính. Quản trị tài chính là việc đưa ra các quyết định về tài chính, tổ chức việc thực hiện các quyết định nhằm đạt được mục tiêu hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Quản trị tài chính có chức năng hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp, bảo đảm đủ nguồn tài chính cho doanh nghiệp, huy động vốn với chi phí thấp nhất và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn vốn. Hiện nay, vấn đề quản trị tài chính là vấn đề hóc búa nhất trong các doanh nghiệp nhà nước do có nhiều khoản nợ đọng, nợ xấu.
Để giải quyết, Chính phủ đã quy định các doanh nghiệp không được đầu tư ngoài ngành, tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. Song, các doanh nghiệp nhà nước thường biện minh cho hiệu quả kinh tế thấp là do còn phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Nhằm tránh sự nhập nhằng hay lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quản trị tài chính cần có cơ chế tách bạch giữa mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận và phi lợi nhuận của doanh nghiệp theo hướng mời các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đấu thầu khi thực hiện các nhiệm vụ công ích. Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng. Cùng với những giải pháp lớn đó, cần mở rộng quyền tự chủ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước cho phép các doanh nghiệp quyền tự chủ hoạt động hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình kiểm toán nội bộ hiệu quả và thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ dưới sự giám sát và báo cáo trực tiếp cho Hội đồng quản trị và Ủy ban Kiểm toán Nhà nước hoặc cơ quan tương đương. Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước phải công bố các thông tin quan trọng và tập trung vào các lĩnh vực mà Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và công chúng quan tâm. Các thông tin quan trọng mà doanh nghiệp cần công bố phải bao gồm bản cáo bạch rõ ràng cho công chúng về mục tiêu của doanh nghiệp và thành quả đạt được, quyền sở hữu và cơ cấu biểu quyết của doanh nghiệp, bất kỳ những yếu tố rủi ro quan trọng nào và biện pháp quản lý các rủi ro đó…
Tuy nhiên, nguồn lao động trong các doanh nghiệp này vẫn còn có những hạn chế như: tinh thần làm việc chưa cao, đôi lúc theo kiểu “cha chung không ai khóc”, hay ít năng động, thiếu sự cố gắng hướng tới hiệu quả cao. Chế độ lương, thưởng, đãi ngộ nhằm kích thích người lao động trong những doanh nghiệp này thưởng chủ yếu chỉ dựa trên số năm công tác và bằng cấp, chứ chưa dựa nhiều vào năng lực thực tế, hiệu quả hoàn thành công việc.
Để quản trị nguồn nhân lực tốt các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, xác định mục tiêu chiến lược của từng doanh nghiệp là gì để tìm nguồn nhân lực phù hợp. Tiếp theo, việc bố trí lao động trong doanh nghiệp phải căn cứ theo năng lực, trình độ để bố trí đúng người, đúng việc, gắn việc phân bổ nguồn lực với việc tổ chức, sắp xếp lại của doanh nghiệp sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh và cải tiến, đổi mới công nghệ. Xây dựng rõ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tay nghề đối với từng vị trí, chức danh công việc nhằm thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát. Khi xây dựng kế hoạch quản trị nhân lực cần phải có tầm nhìn, thể hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và có lộ trình đào tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là phải bảo đảm lợi ích cho người lao động để họ yên tâm và có động lực tiếp tục cống hiến. Do đó, cần có cơ chế lương, thưởng, đãi ngộ rõ ràng, công bằng dựa trên hiệu quả công việc. Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, mỗi doanh nghiệp cần hiểu không chỉ giữ người lao động bằng cơ chế vật chất, mà còn phải tạo môi trường làm việc dân chủ, phát huy sáng tạo trong doanh nghiệp. Người lãnh đạo phải luôn quan tâm, khách quan, công bằng mới có thể giữ chân người tài, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.