Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Bài viết sử dụng dữ liệu từ năm 2007 - 2017 để tính hệ số sử dụng lao động (ILOR) của Việt Nam và 13 nước bao gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng 10 nước ASEAN theo phương pháp tính trực tiếp. Kết quả cho thấy, hiệu quả sử dụng lao động của Việt Nam rất thấp, chỉ xếp trên Campuchia nhưng thấp hơn Lào và bằng 1/104 hiệu quả sử dụng lao động của Mỹ , bằng 1/48 của Singapore.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, để hiểu rõ hiệu quả sử dụng lạo động của từng ngành trong nền kinh tế của Việt Nam, tác giả tính hệ số ILOR cho từng ngành và kết quả chỉ ra rằng ngành “Hoạt động hành chính và hỗ trợ dịch vụ” và ngành “dịch vụ ăn uống và lưu trú” có chỉ số ILOR lớn nhất (tương ứng 30,74 và 23,96) - hiệu quả sử dụng lao động thấp nhất, trong khi đó nhóm ngành có hệ số ILOR nhỏ nhất là “Sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt” và ngành “Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” (tương ứng 0,43 và 2,06). Qua kết quả tính toán, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động tại Việt Nam.

Khái quát về hệ số sử dụng lao động

Hệ số sử dụng lao động (ILOR) là một chỉ số cho biết trong một thời kỳ nhất định muốn có thêm một đơn vị sản lượng đầu ra so với thời kỳ trước thì cần phải thêm bao nhiêu đơn vị lao động so với kỳ trước đó. Hệ số ILOR được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

  ILOR: Hệ số sử dụng lao động;

  L: Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế;

  Y: Kết quả đầu ra;

  t và t-1: Kỳ báo cáo và kỳ báo cáo trước đó.

Nếu (Yt – Yt-1) > 0: hệ số ILOR của một ngành/một nền kinh/thời kỳ càng lớn cho biết ngành/nền kinh tế/thời kỳ đó đang sử dụng lao động kém hiệu quả hơn so với ngành/nền kinh tế/thời kỳ khác;

Nếu (Yt – Yt-1) < 0: nền kinh tế đang suy giảm, thường không xem xét hiệu quả sử dụng lao động trong các trường hợp này;

Nếu ILOR = 0: tăng trưởng kinh tế hoàn toàn không dựa vào lao động; 

Nếu ILOR = ∞: nền kinh tế không có tăng trưởng.

Hệ số sử dụng lao động ILOR ở Việt Nam

Kết quả tính toán trong giai đoạn 2007-2017 cho thấy, hệ số ILOR biến động theo xu hướng giảm. Điều này thể hiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng sử dụng lao động tăng thêm có hiệu quả hơn. Trong giai đoạn 2007-2017, hệ số ILOR biến động theo xu hướng giảm dần.

Năm 2007, hệ số ILOR của Việt Nam là 10,1 tương ứng với 10,1 lao động tăng thêm sẽ tạo ra 1 tỷ đồng giá trị tăng thêm trong năm. Đến năm 2017, hệ số này giảm còn 2,1 tương ứng với 2,1 lao động tăng thêm sẽ tạo ra 1 tỷ đồng giá trị tăng thêm trong năm. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng sử dụng lao động tăng thêm có hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam  - Ảnh 1

Quan sát hệ số ILOR theo ngành trong giai đoạn 2007-2017 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả 20 ngành kinh tế đều dương, tuy nhiên có 18/20 ngành có hệ số ILOR > 0 và 2 ngành “Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” và ngành “Khai khoáng” có hệ số ILOR < 0. Bốn ngành có hiệu quả sử dụng lao động tăng thêm thấp nhất trong nền kinh tế, bao gồm: “Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ”, ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống”, ngành “ Bán buôn và bán lẻ”, ngành “Xây dựng”.

Hai ngành có hệ số ILOR < 1 là ngành “Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” và ngành “Khai khoáng”. Cả hai ngành này đều có sự giảm số lượng lao động trong giai đoạn 2007-2017, tuy nhiên vẫn có sự tăng trưởng (Hình 2).

Trong giai đoạn 2007-2017, hệ số ILOR của ngành “Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ” cao nhất và hệ số ILOR của ngành “Sản xuất và phân phối điện nước và khí đốt” thấp nhất. Phải cần tới 30,74 lao động tăng thêm mới tạo ra 1 tỷ đồng giá trị tăng thêm của ngành “Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ”, trong khi đó chỉ cần tăng 0,43 lao động sẽ tạo ra 1 tỷ đồng giá trị tăng thêm của ngành “Sản xuất và phân phối điện, nước và khí đốt”.

Ngành “Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp thứ 2 (17,03% tổng GDP năm 2017) sau ngành “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” nhưng hiệu quả sử dụng lao động của ngành này không cao, cứ tăng 14,11 lao động thì sẽ tạo ra 1 tỷ đồng giá trị tăng thêm cho Ngành.

So sánh hệ số sử dụng lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới 

Sức cạnh tranh của lao động Việt Nam là thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Số liệu tăng trưởng GDP và tăng trưởng lao động của 13 nước trên thế giới (bao gồm 3 nền kinh tế phát triển thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 nước thuộc ASEAN) trong giai đoạn 2007-2017 cho thấy, ở tất cả các quốc gia tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của năng suất lao động. Trong 13 quốc gia quan sát, Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng của lao động và tốc độ tăng trưởng của kinh tế là ngược chiều nhau. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007-2017 của Nhật Bản đạt 0,5% trong khi tốc độ tăng trưởng lao động bình quân cả giai đoạn của Nhật Bản giảm gần 0,1%.

Theo khảo sát dân số cuối năm 2015 do Bộ Nội vụ Nhật Bản tiến hành, dân số Nhật Bản tại thời điểm ngày 1/1/2016 là 125.842.019 người, giảm 320.557 người so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng giảm dân số tại Nhật Bản đã diễn ra trong nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, có những phân tích cho rằng, mức độ thu hẹp về dân số Nhật Bản sẽ còn tiếp tục cao lên trong những năm tiếp theo. Xem xét kỹ hơn vào cơ cấu dân số theo độ tuổi cho thấy, vấn đề mà Chính phủ Nhật Bản đang phải đau đầu giải quyết không chỉ là giảm sút về số lượng mà còn là chất lượng lao động.

Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam  - Ảnh 2

Đó là khi số lượng trẻ em được sinh ra (nguồn bổ sung cho lực lượng lao động trong tương lai) quá ít trong khi những người bước vào tuổi nghỉ hưu lại quá nhiều. Báo cáo về kinh tế và tài chính tài khóa 2017, được Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động là một trong những hạn chế chính mà quốc gia này cần phải khắc phục nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng ổn định, đồng thời tạo cơ hội nâng cao năng suất lao động và xóa bỏ tình trạng giảm phát.

Trong khu vực ASEAN, Singapore là nước có hệ số ILOR thấp nhất và Campuchia là nước có hệ số ILOR cao nhất. Bình quân giai đoạn 2007-2017, phải cần tới 336,4 lao động tăng thêm mới tạo ra 1 triệu USD giá trị tăng thêm cho Campuchia, trong khi đó chỉ cần 6,9 lao động tăng thêm đã tạo ra 1 triệu USD giá trị tăng thêm cho Singapore.

Trong 13 quốc gia được quan sát, Việt Nam là nước có hệ số ILOR cao thứ 2 chỉ sau Campuchia và cao hơn Lào rất nhiều, phải gần tới 331,8 lao động tăng thêm mới tạo ra 1 triệu USD giá trị tăng thêm cho Việt Nam. Hệ số ILOR của Việt Nam gấp 104 lần so với Mỹ, gấp 48 lần so với Singapore và gấp 4 lần so với Lào (tương ứng với mức 331,8 so với 3,2; 6,9 và 83,0). Như vậy, cạnh tranh của Việt Nam về lao động là rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động ở Việt Nam

Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam  - Ảnh 3

Qua phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sử dụng lao động cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện qua từng năm, đồng thời việc sử dụng lao động ngày càng hiệu quả hơn – bằng chứng là hệ số sử dụng lao động ILOR ngày càng giảm. Tuy nhiên, hệ số ILOR vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và thế giới, điều này cho thấy sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam còn thấp.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, cơ cấu dân số đã bước vào quá trình già hóa và đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, lực lượng lao động đang trong quá tình tăng chậm dần. Tốc độ tăng lao động đang giảm dần và sẽ có thời điểm dừng.  Vì vậy, cần có một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:

Một là, ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai: Chính phủ cần có chính sách khuyến khích mỗi gia đình sinh từ 2 đến 3 con. Song song với việc đó cần phải nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.

Hai là, tăng trưởng kinh tế dựa trên việc sử dụng có hiệu quả lao động tăng thêm.

Ba là, tăng trưởng kinh tế với mức thâm dụng lao động hợp lý.

Bốn là, tái cơ cấu nền kinh tế với mô hình tăng trưởng cụ thể cho từng ngành kinh tế. Khuyến khích cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Khuyến khích DN đầu tư cho khoa học và công nghệ, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Năm là, chuyển dịch hợp lý cơ cấu lao động không chỉ giữa các ngành kinh tế mà còn trong nội bộ từng ngành.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2014, Viện Năng suất Việt Nam, 2014;
2. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2007-2016, Tổng cục Thống kê;
3. Cục Quản lý Quốc gia (2014), Nâng cao năng suất lao động: Bắt đầu từ phát triển nguồn nhân lực;
4. Điều tra lao động việc làm 2007-2017, Tổng cục Thống kê;
5. Trần Thọ Đạt, Các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Thống kê, Hà Nội, 2005;
6. Nguyễn Bích Lâm, Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động (Tham luận tại Diễn đàn CEO 2018, Hà Nội, ngày 13/4/2018), Tổng cục Thống kê;
7. Ngân hàng thế giới (World Bank) cập nhật về tình hình khu vực Đông Á, Thái Bình Dương năm 2007;
8. Nhật Bản trước thách thức thiếu hụt lao động. URL: http://www.qdnd.vn /thoi-su-quocte/doi-song-quoc-te/nhat-ban-truoc-thach-thuc-thieu-hut-lao-dong-513972 ;
9. Niêm giám thống kê năm 2007-2017, Tổng cục Thống kê;
10. Phùng Thế Đông & Đỗ Hữu Bình, Tác động của lao động và nguồn vốn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2019, trg 64-68.