Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam giảm mạnh
Từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm, nhờ đó tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục có xu hướng giảm.
Đô la hóa là tình trạng khá phổ biến trong nền kinh tế nước ta. Thống kê cho thấy, tỷ lệ đô la hóa thường lớn hơn 20% (giai đoạn trước năm 2010) và lớn hơn 10% (giai đoạn sau năm 2010). Có thể khái quát tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 1992 đến nay qua 5 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1992-1996: Mức độ đô la hóa ở Việt Nam là khá cao, đặc biệt trong 3 năm (1992, 1993 và 1994), tỷ lệ này luôn cao hơn 30%. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam ở thời điểm đó đang ở trong tình trạng đô la hóa bán chính thức. Năm 1992, cùng với đà tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế kể từ sau công cuộc đổi mới, lượng tiền gửi bằng USD đã chiếm đến 40% tổng lượng tiền gửi vào các ngân hàng. Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa bước ra khỏi giai đoạn trì trệ, bao cấp và dần chuyển hướng sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn 1996-2001: Mức độ đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam vẫn khá cao và luôn ở trên mức 20%. Trong vòng 5 năm, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tăng từ 20% lên đến 31,5%. Xu hướng này là do người dân và các doanh nghiệp đã tăng cường việc gửi ngoại tệ vào tài khoản ngân hàng nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài sản, bởi do những quan ngại trước những dấu hiệu bong bóng kinh tế của Thái Lan vốn đang tăng trưởng rất nhanh và mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này khiến cho tỷ lệ đô la hóa ở Việt Nam trong giai đoạn này tăng nhanh, cho dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường các chính sách điều tiết thị trường.
- Giai đoạn 2001-2003: Giai đoạn này, tỷ lệ đô la hóa kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 20%, tuy nhiên đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Cụ thể, trong vòng 2 năm, bằng nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ đô la hóa đã giảm mạnh từ mức 31,5% xuống chỉ còn 21%.
- Giai đoạn 2003-2010: Ở giai đoạn này, tình trạng này tiếp tục là bài toán nan giải cho các nhà hoạch định chính sách, bởi sau những nỗ lực nhất định nhằm kiềm chế tốc độ tăng của tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế, thì tỷ lệ này vẫn luôn ở trên mức 20%, kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng đô la hóa không chính thức.
- Giai đoạn từ năm 2010 đến nay: Nhằm điều tiết thị trường, giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm, theo đó tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục có xu hướng giảm mạnh.
Mặc dù tỷ lệ đô la hóa đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách điều tiết thị trường, bởi thị trường hiện nay vẫn luôn hiện hữu những yếu tố tác động tới mục tiêu hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Theo đó, tình trạng đô la hóa do nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và do ảnh hưởng của các dòng vốn quốc tế. Kể từ khi thực hiện mở cửa nền kinh tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, bởi vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ nhu cầu mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế. Ngoài ra, kiều hối gia tăng cùng với các quy định cho phép các cá nhân nắm giữ ngoại tệ dưới hình thức tiết kiệm và tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng, cất giữ dưới dạng ngoại tệ tiền mặt.
Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa do chưa cân bằng lợi ích nắm giữ giữa VND và USD, chủ yếu do biến động về tỷ giá, lãi suất thực tế và kỳ vọng, nhất là khi VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, lạm phát của Việt Nam tương đối cao so với các nước trên thế giới và khu vực.
Ngoài ra, hiện nay, dù Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối trừ một số trường hợp, nhưng trên thực tế, việc thực thi và xử lý các quy định pháp lý này chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường... nên giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt vẫn tồn tại trên thị trường tự do…
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, nhằm điều tiết thị trường, giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD.