Nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua mua, bán, xử lý nợ để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần


Trong những năm qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã cơ bản hoàn thành tốt những nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao. DATC đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trên thị trường mua bán nợ Việt Nam. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt mua, bán, xử lý nợ để chuyển doanh nghiệp (DN) thành công ty cổ phần (CTCP), nhận diện một số tồn tại, vướng mắc, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DN thông qua mua, bán, xử lý nợ để chuyển DN thành CTCP trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Nhiệm vụ của DATC trong công tác tái cơ cấu DN 

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam được thành lập theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát hiện nâng cao hiệu quả DN nhà nước. Ngày 27/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP (NĐ 129) về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC trong đó có công tác tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ là một trong những nhiệm vụ chính của DATC.

Đối với hoạt động tái cơ cấu DN thông qua việc mua, bán, xử lýnợ của DATC còn được quy định chi tiết tại Nghị định số 126/2017/ NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 140/2020/ NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ và cụ thể tại Điều 12 và Điều 22 của Thông tư số 05/2022/ TT-BTC.

Chức năng nhiệm vụ và hoạt động của DATC được xác định thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác hỗ trợ xử lý nợ, lành mạnh tài chính để thúc đẩy cổ phần hóa, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN, cụ thể như sau:

- Hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.

- Mua, xử lý các khoản nợ và tài sản trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại DATC; Ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DN để chuyển DN thành CTCP

Số lượng, quy mô vốn, xử lý nợ của DN mà DATC tham gia tái cơ cu để chuyển DN thành CTCP

Đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xửlýnợmàtrọng tâm làchuyển đổi sởhữu DNNN không đủđiều kiện cổphần hóa, từnăm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 185 DN. Hoạt động này của DATC đã hỗ trợ tích cực và góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong nhiều năm, số lượng DNNN được cổ phần hóa qua hoạt động của DATC chiếm tỷ trọng cao so với tổng số DNNN được cổ phần hóa cả nước.

Trong giai đoạn 2011-2013, cả nước cổ phần hóa được 113 DN nhà nước (2011: 14 DN, 2012: 26 DN, 2013: 73 DN) thì riêng DATC đã hỗ trợ để chuyển đổi sở hữu cho 33 DNNN trong tình trạng làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh công tác cổ phần hóa của các bộ, ngành, địa phương.

Lũy kế từ 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho các DN với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp là trên 1.388,2 tỷ đồng (không tính số vốn góp đã thoái tại một số DN). Trong 185 DN tái cơ cấu, DATC đã kết hợp gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị DN để chuyển đổi sở hữu cho 73 DNNN (trong đó có 33 DNNN trong tình trạng làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, 40 DNNN đã được cổ phần hóa nhưng bị thua lỗ sau cổ phần hóa do gặp khó khăn tài chính), 100 DN còn lại được tái cơ cấu tài chính thông qua xử lý nợ qua đó giúp DN giảm bớt áp lực về tài chính, tiết giảm chi phí lãi vay, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD), đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách.

Tình hình hoạt động DN sau tái cơ cu, chuyển thành CTCP

Thông qua hoạt động tái cơ cấu DN, DATC đã giúp phục hồi các DN trở lại hoạt động bình thường, giúp duy trì ổn định cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ từ hoạt động tái cơ cấu một số ngành kinh tế như hàng hải (Vinalines), mía đường, dâu tằm tơ… Cụ thể, đã tái cơ cấu chuyển đổi thành công Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành CTCP - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, đây là tổng công ty thua lỗ, yếu kém mà Chính phủ có nhiều chỉ đạo xử lý những tồn tại trong khoảng 20 năm nhưng không xử lý được, song với sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp của DATC, Tổng công ty đã được xử lý những tồn tại để cổ phần hóa và đến nay Tổng công ty đã hoạt động ổn định theo mô hình CTCP. Đồng thời, DATC tham gia hỗ trợ Vinashin, Vinalines và nhiều tổng công ty hoạt động trong các ngành giao thông, xây dựng, nông nghiệp xử lý nợ để cổ phần hóa.

Thông qua hoạt động xử lý nợ tại Vinalines, DATC đã mua lại 11.250 nghìn tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng, trong đó tổng giá trị phần chênh lệch bàn giao cho Vinalines và đơn vị thành viên để hạch toán tăng vốn nhà nước và xử lý lỗ theo quy định là 6.783 tỷ đồng, tương đương 60% tổng dư nợ các khoản nợ được xử lý, qua đó, Vinalines đã ghi tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại DN là 2.567 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Vinalines. Việc xử lý nợ thành công đã hỗ trợ đối với Vinalines và các đơn vị từ một DN làm ăn thua lỗ trở thành một DNNN hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại khoản nợ thông qua DATC tạo nên tác động tích cực, tránh được sự đổ vỡ dây chuyền của Vinalines nói riêng và của ngành vận tải Việt Nam nói chung; tạo điều kiện để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, Logistic; góp phần ổn định việc làm cho hàng ngàn cán bộ, công nhân viên, thuyền viên, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng quốc gia theo định hướng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

DATC còn giúp Nhà nước thu hồi được nợ đọng NSNN và nợ đọng bảo hiểm xã hội tại các DN; giúp NSNN không phải mất kinh phí xử lý lao động dôi dư và trợ cấp mất việc làm. Ngoài ra, hàng năm các DN do DATC tái cơ cấu tiếp tục đóng góp cho NSNN hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những DN nhiều năm thuộc top 1.000 DN nộp thuế lớn là CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP đường Kon Tum, CTCP đường Sơn La và CTCP Intimex Nha Trang.

Việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN của DATC đã giúp các DN thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục hoạt động, đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 10.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp là các hộ nông dân trồng nguyên liệu (trồng mía, dứa, cà phê…), ngư dân (chế biến thủy sản), các hộ cung cấp vật liệu xây dựng cung cấp cho các DN nhất là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, miền núi, Tây Nguyên.

Hoạt động mua và xử lý nợ xấu của DATC ngoài góp phần hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn tạo ra các cơ hội để phát triển một số ngành nghề và định chế tài chính trung gian như định giá nợ, bán đấu giá nợ, sàn giao dịch nợ, công ty mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ, công ty dịch vụ tư vấn tài chính thuộc các thành phần kinh tế khác.

Vướng mắc, hạn chế trong quá trình tái cơ cấu DN thông qua mua, bán, xử lý nợ

Hạn chế về cơ chế chính sách và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, xử lý nợ và tái cơ cấu DN

Hoạt động mua, xử lý nợ và tái cơ cấu DN theo cơ chế thị trường là lĩnh vực hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Khuôn khổ pháp lý cao nhất cho hoạt động của DATC khi thành lập và kéo dài cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 chỉ có Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, các hoạt động của DATC đều phải vận dụng dựa vào các Luật, Nghị định thuộc ngành, lĩnh vực khác có liên quan để thực hiện.

Mặc dù, năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết này được gia hạn thêm đến ngày 31/12/2023 đã tạo nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động mua bán nợ, tuy nhiên do DATC không thuộc đối tượng được áp dụng nên đã bị hạn chế đáng kể, điển hình như quyền tiếp cận mua và xử lý nợ trong hệ thống ngân hàng, các quy định trong giao dịch đảm bảo, thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo nợ, việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế... Điều này gây ra mức độ rủi ro lớn hơn, làm hạn chế hiệu quả tiếp cận thị trường và cản trở quá trình tham gia hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu DN của DATC.

Thiếu hệ thống chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đối với các DN tái cơ cấu

Hệ thống cơ chế, chính sách xử lý nợ hiện nay mới chỉ tập trung vào các giải pháp mua, xử lý nợ xấu cho hệ thống các TCTD nhưng lại thiếu các chính sách hỗ trợ cho các con nợ là DN thực hiện tái cơ cấu, phục hồi SXKD để tạo nguồn trả nợ. Các DN trước khi được DATC tái cơ cấu, xử lý nợ thường ở trong tình trạng hoạt động yếu kém, mất khả năng thanh toán hoặc trong tình trạng phá sản. Sau khi được DATC tái cơ cấu, DN cần có nguồn vốn phục vụ SXKD, đầu tư đổi mới công nghệ... nhưng lại rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do DN có lịch sử tín dụng xấu.

Việc cho vay, hỗ trợ tài chính cho các DN mà DATC tham gia tái cơ cấu cũng còn nhiều hạn chế, chưa có nguồn lực tài chính đủ lớn để tài trợ cho xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN đáp ứng nhu cầu thực tế của quá trình này. Đối với các DN DATC không chiếm tỷ lệ chi phối, sẽ không được DATC bảo lãnh cho các DN trong hoạt động vay vốn, tiếp cận nguồn vốn phù hợp để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chưa có chính sách hỗ trợ khoanh, gia hạn các khoản nợ đọng thuế, BHXH đối với DN tái cơ cu để tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xu và tái cơ cu DN

Khi thực hiện tái cơ cấu DN có tình hình tài chính khó khăn, lâm vào phá sản, DATC và các chủ nợ khác cùng nhau thực hiện các biện pháp giảm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ để tạo điều kiện cho DN phục hồi. Tuy nhiên, do Luật Thuế không quy định trường hợp khoanh nợ, gia hạn nợ thuế tồn đọng cho các DN thuộc diện tái cơ cấu nên vẫn còn không ít khó khăn cho DN.

Xét về phương diện pháp lý, các khoản nợ thuế của DN là các khoản nợ không có tài sản bảo đảm và không được xem là khoản nợ ưu tiên, cho nên khả năng thu hồi nợ thuế tồn đọng đối với các DN lâm vào tình trạng phá sản là rất thấp, thậm chí không thu được. Vì vậy, với vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, nhằm tạo điều kiện để DN tái cơ cấu phục hồi SXKD, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động thì nhà nước cũng phải có trách nhiệm xử lý nợ cho DN như các chủ nợ khác thông qua việc ban hành các quy định pháp luật về cơ chế khoanh, giãn thời hạn nộp thuế tồn đọng cho các DN có khó khăn về tài chính được cơ cấu lại.

Phạm vi và nhiệm vụ hoạt động đang dần bị thu hẹp

Mục tiêu hoạt động của DATC luôn gắn liền với quan điểm phải đặt trọng tâm vào chương trình sắp xếp lại và cổ phần hóa DNNN. Do chỉ được giới hạn trong việc mua và xử lý nợ để hỗ trợ DNNN nên DATC thường phải áp dụng các biện pháp xử lý đặc thù để nhanh chóng thu hồi vốn, không được nắm giữ vốn lâu dài tại các DN tái cơ cấu, bị hạn chế về đầu tư để khai thác kinh doanh những tài sản phát sinh từ hoạt động mua và xử lý nợ trong khi đây là lợi thế nếu tính cho tương lại hoạt động lâu dài.

Đến nay, chương trình tái cơ cấu DNNN đã bước vào giai đoạn cuối và chỉ còn những tập đoàn, tổng công ty hay DN quy mô lớn, có tình hình tài chính tương đối tốt nên nhu cầu hỗ trợ trong thời gian tới không còn nhiều và dần kết thúc. Điều này đòi hỏi DATC phải chuyển đối tượng hoạt động sang DN thuộc các thành phần kinh tế khác để thay thế trong khi Chính phủ vẫn giữ quan điểm DATC phải đặt trọng tâm vào khu vực DNNN.

Hoạt động mua và xử lý nợ theo thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của các tổ chức xử lý nợ tư nhân cũng như việc các ngân hàng đa dạng hóa hình thức tự xử lý. Theo Nghị định số 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì từ năm 2016 đến nay trên thị trường xuất hiện nhiều tổ chức xử lý nợ tư nhân với cơ chế hoạt động thông thoáng và linh hoạt hơn nhiều so với DATC nên mức độ cạnh tranh với các tổ chức này cũng gia tăng. Thực tế cho thấy, hầu như những khoản nợ có khả năng xử lý thuận lợi mà không liên quan tới DNNN đều được các tổ chức xử lý nợ tư nhân thực hiện, chỉ những món khó xử lý bị tồn lại mới được các ngân hàng chào bán cho DATC.

Sự hợp tác của một số bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ tái cơ cu DN cn chưa chặt chẽ

Một số bộ, ngành, địa phương và DN chưa tích cực phối hợp với DATC trong hoạt động tái cơ cấu DN. Mặc dù đã có cơ chế tái cơ cấu DN không đủ điều kiện cổ phần hóa thông qua DATC nhưng cũng vẫn còn trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo thực hiện thủ tục phá sản cả những DN đã được DATC mua nợ để tái cơ cấu gây ách tắc cho hoạt động xử lý nợ để tái cơ cấu DNNN của DATC, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DATC cũng như dẫn tới mất việc làm của nhiều lao động.

Đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của DATC

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của DATC, cần chútrọng các nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hoạt động; trong đó, DATC cũng được áp dụng các cơ chế xử lý nợ như đối với VAMC. DATC đang chủ động đánh giá về những bất cập của cơ chế chính sách hiện hành và việc áp dụng Nghị quyết số42 để có những kiến nghị với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội về sự cần thiết xác định DATC như một chủ thể được sử dụng các quy định của Nghị quyết hay của Luật về xử lý nợ, bình đẳng như VAMC.

Hai là, có cơ chế cho phép DATC được thẩm quyền tham gia giám sát hoạt động của DN trong giai đoạn từ khi mua nợ đến khi chuyển nợ thành vốn góp để giảm thiểu khả năng tiếp tục thua lỗ của DN, giảm rủi ro cho DATC trong công tác quản trị, thu hồi nợ sau này.

Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đối với các DN tái cơ cấu; chính sách hỗ trợ khoanh, gia hạn và có cơ chế hỗ trợ xử lý đối với các khoản nợ đọng thuế, BHXH đối với DN tái cơ cấu để tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN.

Bốn là, hỗ trợ DATC bổ sung nguồn vốn kinh doanh hoặc tạo cơ chế xây dựng Quỹ tài chính đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thực tế của quá trình xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN.

Năm là, cho phép DATC mở rộng đối tượng và lĩnh vực hoạt động trên nền tảng những hoạt động hiện tại để vừa phát huy vai trò là công cụ của Chính phủ vừa gia tăng quy mô hoạt động theo cơ chế thị trường để tăng quy mô, năng lực hoạt động và hiệu quả tài chính. Kiến nghị chủ sở hữu Nhà nước định vị lại vai trò và hoạt động để DATC có cơ sở chuyển đổi sang một giai đoạn mới trên nền tảng những gì đã có nhưng với quan điểm rộng mở hơn về đối tượng phục vụ và cách thức hoạt động, mà cụ thể là cho phép DATC tham gia hỗ trợ cổ phần hóa Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trong giai đoạn tới 2022-2025.

(*) Chu Ngọc Lâm - Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 5/2022