Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa


Mặc dù có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là trong tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là trong tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nguồn: Internet

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam hiện đang xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Tuy đây là kết quả rất tích cực song trên thực tế, tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Thực trạng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. DNNVV hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Đồng thời, khu vực DNNVV rất hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là khu vực kinh tế diễn ra các hoạt động cải tiến, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh... tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế.

Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, song DNNVV còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển, tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2018 cũng lên tới 90.651 DN, tăng 49,7% so với năm 2017. Trong đó, gồm 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể; 16.314 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trong số 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 18.795 DN chờ giải thể.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng số lượng DN ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của DNNVV Việt Nam chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó, hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của DNNVV.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn. Cùng với đó, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, thực tế, tiếp cận tín dụng được xác định là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV hiện nay. 

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế. Có đến 70% DNNVV hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% DN khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% DNNVV còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.  Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017…

Những khó khăn, thách thức trong tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 30% DN khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017...

Theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNNVV. DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Bên cạnh đó, DNNVV cũng sẽ được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo đó, việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của DNNVV. Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho DNNVV đủ điều kiện được bảo lãnh.

Tình trạng khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các DNNVV trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, cụ thể:

Về phía Nhà nước:

- Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng…

- Trước khi Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến nay, mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP hướng dẫn Quỹ Bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng DNNVV đã được ban hành nhưng kết quả vẫn đang phải chờ những con số thống kê chính thức.

Về phía các tổ chức tín dụng:

- Thủ tục vay vốn còn phức tạp, qua nhiều quy trình. Các sản phẩm tín dụng dành cho DNNVV hiện nay của các tổ chức tín dụng chưa phong phú, một số DN không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp…

- Trong điều kiện cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng gay gắt, các tổ chức tín dụng chưa thực sự cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, mà vẫn còn khá phổ biến tình trạng cạnh tranh bằng lãi suất.

- Còn tồn tại tâm lý phân biệt đối xử khi quyết định cho DNNVV vay vốn. Theo Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của DN” của Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả thực nghiệm cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm % nếu DN nộp hồ sơ xin vay thuộc DNVVN. Ngược lại, xác suất sẽ tăng khoảng 2,3 đến 2,8 điểm % nếu DN đó thuộc sở hữu Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa:

- Sự thiếu minh bạch của DN khó tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng. Theo thống  kê của VCCI, đến cuối năm 2018, trong tổng số 670.000 DN đang hoạt động, có đến 98-99% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, DN siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Trong số gần 6 triệu đơn vị, chỉ có 2 triệu đơn vị có đăng ký (gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 DN có đăng ký), còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức, ít tính bạch và phi minh bạch.

- Nhiều DNNVV thiếu tài sản bảo bảm, thiếu dự án kinh doanh khả thi hoặc không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh rành mạch (quá khứ, hiện tại và cơ hội tương lai), phương án kinh doanh để vay vốn không rõ ràng, thiếu sức thuyết phục…

- Nhiều DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch...

- Hiệu quả đầu tư tín dụng đối với DNNVV chưa cao do phần lớn các DN có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế, tính đổi mới sáng tạo còn kém..., khiến cho các tổ chức tín dụng cũng không đặt nhiều niềm tin vào khối DN này bởi rủi ro tương đối lớn.

- Các DNNVV thường có thời gian thành lập ngắn, trong khi đó tiêu chí truyền thống của ngân hàng là phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và phải đạt lợi nhuận vài năm liên tiếp… Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV thường mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của DN. Thực tế này khiến cho các tổ chức tín dụng thường e ngại cho vay vì rủi ro mất vốn rất cao.

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo các chuyên gia kinh tế, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho khu vực DNNVV theo chủ trương của Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia… Thời gian tới, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khối DNNVV, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về phía Chính phủ:

- Điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định cho các DNNVV.

- Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

- Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ.

- Có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng..., giúp các ngân hàng và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước:

- Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

- Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp người dân, DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực; Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ tín dụng với các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, dễ đi vào đời sống xã hội, đời sống của DN...

- Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng chủ động và thường xuyên triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là Chương trình kết nối ngân hàng - DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cho DN. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng quán triệt, phổ biến, hướng dẫn trong toàn hệ thống; Tập trung triển khai có kết quả các giải pháp về cải tiến thủ tục, hồ sơ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ…

Đối với UBND các tỉnh, thành phố:

-  Tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các bộ, ngành.

- Ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ DNNVV tại địa phương; quyết định dự toán ngân sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan, nhằm tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng.

- Đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các tài sản đã có quyết định thi hành án, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn.

Về phía các tổ chức tín dụng:

- Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đến cuối năm 2018, trong tổng số 670.000 DN đang hoạt động, có đến 98-99% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, DN siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Trong số gần 6 triệu đơn vị, chỉ có 2 triệu đơn vị có đăng ký (gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 DN có đăng ký), còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức, ít tính bạch và phi minh bạch.

- Thực hiện chính sách lãi suất hợp lý, đồng thời, đáp ứng nhiều mục tiêu như đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền tiết kiệm, lãi suất ưu đãi của các chương trình tín dụng trọng điểm... Tuy nhiên, việc cho vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN và quy định pháp luật liên quan, đảm bảo hiệu quả và an toàn vốn vay.

- Chủ động nghiên cứu đề xuất các chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Khuyến khích xây dựng và triển khai những gói sản phẩm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV (hỗ trợ về vốn, lãi suất, thời hạn cho vay...); Cung cấp các sản phẩm hỗ trợ trong lĩnh vực thanh toán, tiền tệ...

- Nâng cao năng lực của cán bộ tín dụng, tập trung cho việc đánh giá được các dự án có tính khả thi cao làm cơ sở cho vay, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện cao nhất.

Về phía DNNVV:

- Cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính và năng lực quản trị, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Để nâng cao năng lực quản trị, trước hết DN cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng lực quản trị. Theo đó, DN cần coi trọng công tác truyền thông nội bộ ở tất cả các cấp trong DN, để cán bộ và người lao động hiểu thấu đáo hơn về tầm quan trọng của quản trị đối với hiệu quả hoạt động của DN, cũng như việc tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của DN.

DN cần xây dựng và áp dụng mô hình quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất và quy mô hoạt động của mình. Nếu quy mô hoạt động quản trị lớn hơn so với quy mô của DN, có thể gây ra gánh nặng chi phí, khiến quy trình ra quyết định chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của DN. DN cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong quản trị rủi ro, quản trị tài chính và quản trị chiến lược… Qua đó, tạo điều kiện cho DNNVV sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

- Coi trọng việc minh bạch hoạt động tài chính. Theo đó, DN phải thường xuyên xem xét các tiêu chí đánh giá tình hình tài chính của DN như mức độ độc lập tài chính của DN; khả năng thanh toán của DN, khả năng sinh lời của DN; hiệu quả hoạt động của DN; hiệu quả phương án vay vốn và phân phối lợi nhuận của DN… Để tiếp cận được vốn vay, các chỉ tiêu tài chính nêu trên phải đạt tối thiểu ở mức an toàn theo quy định. Khi hoạt động tài chính được minh bạch, không chỉ giúp các TCTD giảm thời gian thẩm định khách hàng, việc ra quyết định cho vay nhanh hơn, mà còn giúp DN nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp xử lý hiệu quả...

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017;
  2. Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;
  3. Tổng cục Thống kê (2018), Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018;
  4. Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Hiếu (2018), Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV, Tạp chí Tài chính;
  5. Chung Thủy (2018), 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, Đài tiếng nói Việt Nam;
  6. 5 giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, truy cập từ link: http://enternews.vn/5-giai-phap-nang-cao-kha-nang-tiep-can-von-ngan-hang-cho-doanh-nghiep-128039.html.