Giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển ngành Nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Để đẩy mạnh phát triển ngành Nông nghiệp của Tỉnh trong giai đoạn tới, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ.
Thực trạng ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên
Những thành tựu nổi bật
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển nổi bật, đạt được nhiều thành tích. Sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Thái Nguyên năm 2020 đạt 14.023,9 tỷ đồng, tăng 3,94% so với kỳ trước. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 12.981,7 tỷ đồng, tăng 3,61% so với kỳ trước.
Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt trong năm 2020 đạt 110 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 103 triệu đồng), tăng 10 triệu đồng so với năm 2019. Trong giai đoạn vừa qua, Tỉnh đã chỉ đạo tập trung đẩy mạng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa như: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ (tăng diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân muộn - Mùa sớm để giảm thiểu tác động tiêu cực của diễn biến thời tiết bất thuận, giải phóng đất, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông); sử dụng 35% diện tích gieo cấy các giống lúa năng suất, chất lượng, đặc sản; 40% diện tích gieo cấy lúa ứng dụng phương pháp canh tác lúa SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM… Năng suất lúa và ngô liên tục tăng qua các năm, sản lượng ổn định và đạt trên 460.000 tấn/năm, duy trì sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 360 kg/người/năm. Sản phẩm lúa, ngô chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh (lúa gạo tiêu thụ trong tỉnh trên 95% sản lượng, ngô chủ yếu dùng cho chăn nuôi khoảng 97%).
Thái Nguyên xác định rõ 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tỉnh (UBND tỉnh Thái Nguyên, Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 18/6/2019) gồm: Chè, lúa gạo, rau quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, cá nước ngọt, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cây quế, cây dược liệu. Trong đó, cây chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của Tỉnh.
Lãnh đạo các cấp, các ngành luôn chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cung cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật để người dân nâng cao thu nhập. Mạng lưới khuyến nông cơ sở hoạt động có hiệu quả trong chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả là nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” đã tạo dựng được danh tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà đã vươn ra quốc tế. Đến cuối năm 2020 tổng diện tích chè hiện có là 22.349 ha, tăng 0,3% so với kỳ trước.
Về sản xuất cây ăn quả, ở Thái Nguyên, cây na, nhãn, bưởi đang được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn quả khác. Giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành của 3 loại sản phẩm này chiếm trên 44% giá trị sản xuất cây ăn quả của Tỉnh. Một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng na, nhãn, bưởi như: Vùng na tại các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (huyện Võ Nhai) khoảng 300 ha; vùng nhãn tại các xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), xã Quân Chu (huyện Đại Từ) khoảng 500 ha; vùng bưởi tại xã Tiên Hội (huyện Đại Từ), xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (huyện Võ Nhai) diện tích khoảng 500 ha. Sản phẩm na, nhãn, bưởi đang có thị trường tiêu thụ ổn định trong Tỉnh và các thị trường lân cận. Năm 2020, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 15.800 ha, sản lượng 96.800 tấn, tăng 3.861 tấn so với năm 2015 (tăng 3,8%).
Cùng với sản xuất ngành trồng trọt, những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đây là một trong những hướng mũi nhọn mà Tỉnh đã xác định nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình với việc áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện rõ rệt, hiệu quả cao. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng nằm 2020 đạt 141,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với năm trước.
Thái Nguyên đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thức ăn, thú y và các phương thức chăn nuôi mới được ứng dụng vào sản xuất. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên địa bàn Tỉnh; Đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, gia cầm, thủy cầm… với quy mô khá lớn. Phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang được mở rộng, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, vừa đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội trong đó có ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
- Sản xuất nông nghiệp của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do chịu sự ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Năm 2020, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn do xuất hiện dịch lở mồm, long móng trên đàn trâu, bò. Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số tỉnh lân cận gây ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi.
- Việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại còn hạn chế, nhất là chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi lớn; chăn nuôi vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, quy mô nông hộ khó khăn trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quản lý dịch bệnh, môi trường chăn nuôi và an toàn thực phẩm.
- Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, số mô hình trang trại sản xuất hàng hóa lớn chưa nhiều, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Sự đa dạng hóa cây trồng còn chậm.
- Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, mức độ áp dụng kỹ thuật – công nghệ và cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất còn hạn chế. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm, các mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng. Vấn đề bảo quản và chế biến nông sản, nhất là chế biến cây ăn quả chưa được chú trọng phát triển, do vậy tình trạng được mùa rớt giá dẫn đến hiệu quả sản xuất giảm chưa được khắc phục.
- Trong quá trình phát triển các sản phẩm có lợi thế của Tỉnh còn có một số hạn chế; còn thiếu định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển đối với một số sản phẩm chủ lực; nguồn lực ưu tiên tập trung cho phát triển các sản phẩm chủ lực còn hạn chế. Chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà không ổn định, thiếu bền vững, chưa có thị trường xuất khẩu, giá cả sản phẩm bấp bênh, chăn gắn kết chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rủi ro trong sản xuất chăn nuôi vẫn còn cao.
- Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trong những năm gần đây đã được quan tâm, tuy nhiên cơ chế, chính sách nhìn chung còn dàn trải, chưa tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (trừ sản phẩm chè), một số chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Trung ương chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Thái Nguyên.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên
Trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp Thái Nguyên tiếp tục phát triển ổn định thì cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, các ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phổ biến, thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp và nông thôn của Trung ương và của Tỉnh; đẩy mạnh liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, giá trị góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện Chương trình, bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGAP; đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến; Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của Tỉnh; đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư; Định kỳ thực hiện gặp mặt đối thoại vớ các doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thu hút, đầu tư các dự án.
Thứ bảy, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; làm tốt công tác kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tài liệu tham khảo:
UBND tỉnh Thái Nguyên (2020), Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;
UBND tỉnh Thái Nguyên (2021), Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”;
UBND tỉnh Thái Nguyên (2021), Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”;
http://baothainguyen.org.vn/; http://baochinhphu.vn; http://tapchitaichinh.vn/.