Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Hoạt động của các tổ chức tín dụng ở TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ lực trong tạo lập nguồn vốn đầu tư phát triển của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Cạnh tranh về hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn được coi là nền tảng và là động lực để các ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò tạo lập nguồn vốn, đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của chính các tổ chức tín dụng. Bên cạnh sự phát triển của thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục phát huy vai trò tạo lập nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh có mật độ mạng lưới giao dịch và số lượng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất cả nước, có sự cạnh tranh sôi động về hoạt động, nhất là trong lĩnh vực huy động vốn và cho vay vốn.
Cạnh tranh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước tính đến hết tháng 3/2019 đạt 2.235.000 tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2018 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng như vậy là thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm và thấp hơn tốc độ tăng bình quân của toàn ngành Ngân hàng cả nước. Một trong những nguyên nhân là do các TCTD gặp khó khăn trong huy động vốn, chủ yếu là do nhu cầu đầu tư, nhu cầu vốn làm ăn của các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn rất lớn.
Bình quân trong 3 tháng đầu năm 2019, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng hơn 0,5%/tháng và trong 9 tháng (tính từ tháng 6/2018 đến hết tháng 3/2019), vốn huy động chỉ tăng có 100.000 tỷ đồng. Mức tăng và quy mô tăng như vậy là khá thấp. Điều này tạo thách thức cho hoạt động tạo vốn qua các TCTD trên địa bàn Thành phố khi đang bị cạnh tranh bởi kênh trái phiếu DN và các kênh huy động vốn khác.
Quy mô và tốc độ tăng của tiền gửi theo tất cả các loại hình đều tăng chậm, tiền gửi tiết kiệm của dân cư chỉ tăng 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng (tính từ tháng 6/2018 đến hết tháng 3/2019). Với mức thu nhập không có nhiều biến động, người dân trên địa bàn Thành phố có nhiều cơ hội lựa chọn các kênh đầu tư khác nhau và đây là một thách thức không nhỏ cho các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay và trong nhiều năm tới.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng hơn 0,5%/tháng và trong 9 tháng (tính từ tháng 6/2018 đến hết tháng 3/2019), vốn huy động chỉ tăng có 100.000 tỷ đồng. Mức tăng và quy mô tăng như vậy là khá thấp.
Phân tích thực trạng huy động vốn theo loại hình TCTD có thể thấy, đến hết tháng 3/2019, khối NHTM Nhà nước chiếm 31,66% thị phần; khối NHTM cổ phần chiếm 51,88% thị phần, khối ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài chiếm 14,36%; khối công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính chiếm 2,1% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn. Như vậy, trên 83% thị phần huy động vốn thuộc về các NHTM trong nước và trên 50% thuộc về các NHTM cổ phần. Đây là những thách thức không nhỏ trong hoạt động huy động vốn của các NHTM Nhà nước, vốn thuộc sở hữu nhà nước và Nhà nước chiếm tỷ trọng cổ phần chi phối. Người dân vốn tin tưởng vào các NHTM này để gửi tiền, tuy nhiên, các NHTM cổ phần có lãi suất hấp dẫn hơn, năng động hơn, linh hoạt và tiếp thị hiệu quả hơn, đang cạnh tranh mạnh mẽ trên thị phần huy động vốn tại TP. Hồ Chí Minh.
Cạnh tranh cho vay vốn tín dụng
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm 31/3/2019 ước tính đạt 2.047.000 tỷ đồng, tăng 1,34% so với cuối năm 2018 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2019, bình quân mỗi tháng dư nợ tín dụng chỉ tăng dưới 0,45%/tháng. Tốc độ tăng này là quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 và rất thấp so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 4,3%). Đây cũng là hiện tượng đáng quan tâm và là thách thức lớn đối với các TCTD khi các DN còn có nhiều kênh huy động vốn khác nhau, đặc biệt là kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN.
Trong 9 tháng tính từ tháng 6/2018 đến hết tháng 3/2019, tín dụng nội tệ chỉ tăng 152.000 tỷ đồng, trong khi đó tín dụng ngoại tệ lại giảm. Dư nợ tín dung ngoại tệ giảm cho thấy, mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế của Chính phủ đã có kết quả. Tuy nhiên, tín dụng nội tệ tăng trưởng không cao trong khi diễn biến kinh tế của Thành phố vẫn rất tích cực cũng là 1 thách thức cho các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay và trong thời gian tới.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng khá, trong khi đó tín dụng trung dài hạn tăng rất chậm. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm bởi nó liên quan đến đầu tư vốn phát triển kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dù dư nợ tín dụng trung dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn (đến hết tháng 3/2019 chiếm 53,9%, dư nợ ngắn hạn chiếm 46,1% tổng dư nợ), tuy nhiên với xu hướng hiện nay thì nhiều khả năng đến đầu năm 2020, dư nợ tín dụng trung dài hạn sẽ giảm xuống còn dưới 50% tổng dư nợ.
Nếu phân chia theo loại hình TCTD thì đến hết tháng 3/2019, các NHTM Nhà nước chiếm 30,99% thị phần dư nợ cho vay; các NHTM cổ phần chiếm 52,19% dư nợ, khối ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài chiếm 11,17% và khối công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính chiếm 5,65% tổng dư nợ. Như vậy, các NHTM cổ phần vẫn chiếm tỷ trọng thị phần lớn nhất, đây là thách thức lớn đối với các NHTM Nhà nước về cạnh tranh đầu tư vốn cho phát triển kinh tế.
Cạnh tranh đầu tư vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình kinh tế
Các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN và các giải pháp, chương trình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục được triển khai thực hiện tốt. Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng – DN; cho vay bình ổn thị trường và các chương trình tín dụng khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, thúc đẩy và tăng trưởng tín dụng. Cụ thể: Tính đến cuối tháng 01/2019, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND lãi suất ưu đãi đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 169.592 tỷ đồng, với 36.920 khách hàng vay vốn. Trong đó: Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 24.249 tỷ; Cho vay xuất khẩu đạt 17.003 tỷ; Cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 121.497 tỷ; Cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 6.462 tỷ; Cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 381 tỷ đồng.
Cho vay đối với các DN trong Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN): Đến cuối tháng 01/2019, dư nợ cho vay trong KCX-KCN đạt khoảng 143.718 tỷ đồng gồm 3.359 khách hàng vay vốn, giảm 0,5% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 103.281 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72% trong tổng dư nợ cho vay trong KCX-KCN; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 40.437 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%.
Chương trình kết nối ngân hàng – DN trên địa bàn cũng được triển khai tích cực: Tổng số tiền đã giải ngân theo gói tín dụng kết nối ngân hàng – DN của các NHTM đạt trên 78.000 tỷ đồng cho hơn 2.000 khách hàng; kết nối cho vay theo chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn được tổ chức tại huyện Củ Chi với tổng số tiền đạt 698,8 tỷ đồng cho 119 khách hàng; tổ chức lễ kết nối tại các quận, huyện với tổng số tiền đạt 3.730,2 tỷ đồng...
Cạnh tranh phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích
Dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua thường xuyên phát triển gắn liền với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, thông qua đó cho phép tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Đến hết tháng 3/2019 số lượng thẻ đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 1,55% so với thời điểm cuối năm 2018. Số máy POS đang hoạt động tăng 6,32% so với cuối năm 2018. Sản phẩm thẻ nội địa vẫn chủ yếu thuộc về các NHTM trong nước, chiếm 72,3% thị phần thẻ trên địa bàn. Đặc biệt, đã có những chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, số lượng khách hàng là DN sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet đến hết tháng 3/2019 tăng 2% so với cuối năm 2018, số khách hàng là cá nhân tăng 37% so với cùng kỳ và đến hết tháng 3/2019 tăng 1,56%. Trong khi đó, dịch vụ mobile banking đến hết tháng 3/2019 tăng khoảng 3% so với cuối năm 2018.
Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại
Đối với các NHTM, quá trình tái cơ cấu tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, với những kế hoạch và phương án cụ thể được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đã và đang có những chuyển biến tích cực. Hoạt động của các TCTD ngày càng ổn định, góp phần quan trọng trong ổn định thị trường tiền tệ, tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế.
Năng lực tài chính của các NHTM được cải thiện. Đến hết tháng 3/2019 tổng số vốn điều lệ của các NHTM cổ phần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 174.532 tỷ đồng, tăng khá so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả kinh doanh tốt hơn so với các năm trước đây, nhiều TCTD đã thoát lỗ và có lãi; Thanh khoản ổn định gắn liền với quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngày càng hiệu quả; Việc tuân thủ các quy định về hoạt động ngân hàng và an toàn trong hoạt động ngân hàng ngày càng được nâng cao.
Đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh
Các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện năng lực cạnh tranh trong tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Cụ thể:
- 2 yếu tố lãi suất (hỗ trợ DN) và tỷ giá (linh hoạt) tiếp tục được cộng đồng DN đánh giá cao.
- Hoạt động tín dụng ngân hàng (huy động vốn và cho vay vốn) duy trì tốc độ tăng trưởng khá đáp ứng vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ DN phát triển.
- Vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (khoảng 75%-78%) trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thông qua cho vay 05 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay ngoại tệ đối với lĩnh vực xuất khẩu và các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND Thành phố.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh
Sự phát triển của thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN đang là những thách thức đối với các TCTD về tạo lập nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, các TCTD cần đặc biệt thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Các TCTD cần xác định mục tiêu và phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng, với các biện pháp cụ thể, hữu hiệu thực hiện đề tái tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu; đồng thời tiếp tục đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc thực hiện cơ cấu lại hoạt động cần được thực hiện với quyết tâm cao.
- Các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần tập trung các giải pháp để xử lý nợ xấu, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, cần quan tâm và thực hiện tốt các giải pháp về mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; khai thác và sử dụng vốn hợp lý, đảm bảo cơ cấu nguồn và sử dụng nguồn; cơ cấu kỳ hạn giữa ngắn hạn và trung dài hạn; Hạn chế tăng trưởng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
- Các TCTD tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời kỳ mới, cần triển khai các giải pháp về tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng; Khắc phục triệt để các nguyên nhân cơ bản gây rủi ro và phát sinh tội phạm làm mất an ninh an toàn trong hoạt động ngân hàng; Ứng dụng và phát triển công nghệ gắn liền với nâng cao chất lượng các nguồn lực.
- Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh thông qua việc tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban nhân dân Thành phố; Hoạt động hỗ trợ DN theo Nghị quyết số 35/NQ-CP và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
2. Báo cáo tổng kết năm 2018 và báo cáo hoạt động 3 tháng đầu năm 2019- NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh;
3. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh: Số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019;
4. www.sbv.gov.vn.