Nâng cao năng lực phát hiện hàng giả

Theo chinhphu.vn

Đó là nhiệm vụ mà lực lượng quản lý thị trường đặt ra trước trình trạng hàng giả, hàng nhái nhãn mác đang tràn lan trên thị trường nội địa.

Lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều đối tượng đã nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài về giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ. Hành vi khiến lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải “đau đầu”.

Nguyên nhân đã rõ

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trịnh Văn Ngọc cho biết, năm 2015, tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp. Hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sửa dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Đơn cử như, ngày 9/4/2015, Chi cục QLTT Hà Nội khi kiểm tra Công ty TNHH NANO Việt Nam (tại huyện Thanh Trì) đã phát hiện Công ty này sản xuất, lắp ráp, kinh doanh lõi lọc nước giả mạo nhãn nhiệu Kangaroo. Tang vật gồm 2.300 lõi lọc nước, 3.000 chiếc nguyên liệu lõi lọc nước bằng nhựa, nắp bịt hai đầu lõi lọc nước, 60 kg tem nhãn Kangaroo. Ước tính trị giá hàng hóa đến 1,695 tỉ đồng.

Ngày 7/11/2015, Chi Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Thú y và Công an TP.HCM khi kiểm tra một hộ kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn huyện Hóc Môn đã phát hiện hơn 2,6 tấn thịt trâu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc…

Để xảy ra tình trạng này, lãnh đạo Cục QLTT thừa nhận, một trong những nguyên nhân là do năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của công chức QLTT chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2016 của lực lượng QLTT chiều 15/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống gian lận, thương mại và hàng giả đã nêu rõ một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường là do người đứng đầu địa phương chưa nhận thức được tình hình nghiêm trọng của nạn hàng giả, hàng nhái…

Bên cạnh đó, “vẫn còn tình trạng người dân ham hàng rẻ và tâm lý thích hàng ngoại cùng với việc đại bộ phận nhân dân chưa nắm được quy định pháp luật về việc không được bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Tình trạng một bộ phận cán bộ QLTT còn kiểm tra nhiều, xử lý ít, thậm chí bảo kê, tiếp tay cho tiêu cực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thí điểm lập đội QLTT cơ động

Ông Trịnh Văn Ngọc cho biết năm 2016, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục chủ trì và phối hợp với công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả. Triển khai quyết liệt, đồng bộ và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là dạng hàng hóa nước ngoài nhưng “cộp mác” Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Ngọc cũng cho rằng, để làm được việc này phải nâng cao năng lực phát hiện hàng giả, hàng nhái của lực lượng QLTT.

Theo đó, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai Dự án nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng QLTT. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng sổ tay hướng dẫn nhận biết hàng thật-hàng giả, website chống hàng giả; xây dựng giáo trình về sở hữu trí tuệ cho lực lượng QLTT.

Về phía Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ cũng kiến nghị Chính phủ trước mắt cho phép Bộ Công Thương được thí điểm thành lập Đội QLTT cơ động trực thuộc Cục QLTT để nâng cao hiệu quả công tác đấu tránh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kì vọng Pháp lệnh về QLTT được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 3/2016 sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho lực lượng QLTT thực hiện những nhiệm vụ.