Nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nhiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tĩnh Vĩnh Phúc còn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: Chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất thấp; trình độ công nghệ còn lạc hậu… Những hạn chế này đã tác động đến năng lực quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh.
Thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, do vậy Tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập.
Sau hơn 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào: Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là nơi có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy đầu tiên của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin có nhiều chuyển biến tích cực; An ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Dù được hưởng nhiều lợi ích về vị trí địa lý kinh tế, chính trị và sức lan tỏa của các khu vực công nghiệp trong Tỉnh nhưng trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn Tỉnh vẫn chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng so với kỳ vọng.
Đặc biệt, trong quá trình mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các DNNVV phải đối diện không ít khó khăn, thách thức như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa đa dạng, phong phú; Huy động vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh từ ngân hàng còn khó khăn; Chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp; Quan hệ hợp tác, tính liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh giữa các DN còn hạn chế…
Trong bối cảnh đó, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo “lực đẩy” cho cộng đồng DN phát triển, trong đó phải kể đến là Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 14/1/2013 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về hỗ trợ, phát triển DNNVV đến năm 2020.
Nghị quyết này đã đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển như: Hỗ trợ về vốn, công nghệ, cải cách thủ tục hành chính; Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại...
Tiếp đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ các DN đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào các cụm công nghiệp.
Nhìn chung, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các DN DNNVV trên địa bàn Tỉnh không ngừng phát triển, mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh.
Nhờ có các giải pháp hỗ trợ DN thiết thực phù hợp với tình hình thực tiễn, số lượng DN hoạt động trên địa bàn Tỉnh trong thời gian qua duy trì tương đối ổn định.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, 5 tháng đầu năm 2021, Vĩnh Phúc có 493 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 6.144 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 13% về số DN và tăng hơn 104% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng, Vĩnh Phúc có 141 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 12,46 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020.
Số doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cùng với sự phát triển của các DN khác trên địa bàn, thời gian qua, các DNNVV ở Vĩnh Phúc cũng đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 9.875 DNNVV, chiếm 97,5% so với tổng số DN đăng ký trên địa bàn Tỉnh.
Đặc biệt, DNNVV trên địa bàn Tỉnh hàng năm đóng góp khoảng trên 6% vào tổng thu ngân sách nhà nước của Tỉnh; tạo việc làm cho trên 63.000 lao động, chiếm khoảng 56% tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn Tỉnh. Qua đó, các DNNVV đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ…
Vấn đề đặt ra về năng lực quản lý của nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thực tế cho thấy, thành quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đạt được là do năng lực quản lý, điều hành của nhà quản lý DN không ngừng được nâng cao.
Các nhà lãnh đạo DNNVV trên địa bàn Tỉnh đã thường xuyên chú trọng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghiệp vụ của mình để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Qua khảo sát tại các DNNVV tại Vĩnh Phúc cho thấy, phần lớn các nhà lãnh đạo, giám đốc quản lý, điều hành các DNNVV trên địa bàn Tỉnh được đào tạo phổ biến ở chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh và kỹ sư. Các chuyên ngành đào tạo đa dạng cũng giúp các nhà quản lý DN có kiến thức quản lý tốt hơn để thúc đẩy DN mình phát triển theo xu hướng của thị trường.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc (2021), đa số các chức vụ quản lý (Giám đốc và Phó Giám đốc, Lãnh đạo các bộ phận) của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trình độ học vấn tương đối cao, trong đó đa phần có trình độ từ đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo đa dạng, chiếm 85%.
Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng quản lý của đa số nhà quản lý DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập. Cũng chính từ sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng quản lý của nhà quản lý của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã dẫn tới công tác quản trị thương hiệu, quản trị đầu tư, quản trị nhân sự, quản trị marketing chưa thực sự bài bản, cản trở sự phát triển của DN. Điều này cho thấy, năng lực quản lý của các nhà quản lý DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quản lý của DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là do các yếu tố sau:
Một là, vốn của các DNNVV còn hạn chế. Vốn là vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DNNVV khó khắc phục để mở rộng sản xuất kinh doanh của mình. Thị trường cung ứng vốn cho các DNNVV chủ yếu vay vốn bạn bè và vay của cá nhân khác.
Phần lớn các DNNVV không tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thức của ngân hàng do không đáp ứng được các thủ tục như lập dự án khả thi, thế chấp và mức lãi suất. Thủ tục phức tạp và chi phí giao dịch cao làm cho DNNVV không muốn và không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng.
Hai là, trình độ thiết bị, công nghệ của các DNNVV còn rất lạc hậu. Năng lực công nghệ và kỹ thuật của các DNNVV hạn chế, trang bị vốn thấp, chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật của các DN lớn.
Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị còn ở mức rất thấp, do đó năng suất lao động tại các DNNVV thấp, giá thành sản phẩm cao, rất khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các doanh DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế về công nghệ, máy móc và thiết bị do thiếu thông tin về thị trường.
Ba là, trình độ nhân lực, lao động và năng lực quản trị DN còn hạn chế, cơ cấu thiếu hợp lý. Lao động trong các DNVVN chủ yếu là lao động phổ thông, ít được đào tạo, thiếu kỹ năng, trình độ văn hóa thấp.
Bốn là, cạnh tranh của các DNNVV về sản phẩm, thị trường được coi là một trong những hạn chế lớn nhất của các DNNVV. Trên thực tế, các sản phẩm của DNNVV ở tỉnh Vĩnh Phúc còn đơn điệu về mẫu mã và chủng loại; chưa có được sản phẩm “độc đáo” riêng. Phần lớn các DN đang sản xuất các loại sản phẩm có mức lợi nhuận thấp, dễ gia nhập thị trường.
Đồng thời, hiện nay, các DNNVV chưa tạo dựng được thương hiệu riêng cho mình. Để phát triển một thương hiệu thì cần chi phí đầu tư lớn với thời gian dài, điều này là rất khó khăn với các DNNVV do quy mô rất nhỏ, năng lực tài chính hạn chế.
Năm là, năng lực và tầm nhìn của nhà quản lý DNNVV còn hạn chế, phần lớn loại hình DN này chưa có chiến lược phát triển dài hạn; nhận thức và mức độ quan tâm của các DN tới các chương trình hỗ trợ đào tạo trợ giúp nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh còn thấp.
Giải pháp nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như nâng cao năng lực quản lý DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của DNNVV, vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn Tỉnh.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể trong DN. Đồng thời, hỗ trợ DNNVV mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, kỹ thuật và thương hiệu; huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Thứ tư, nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị cho giám đốc DNNVV và các nhà quản lý cấp cao tại DN. Để thực hiện tốt kỹ năng này, giám đốc DNNVV cần nắm được bốn thuộc tính cơ bản tạo nên quyền lực đó là: Sự thành thạo chuyên môn; Sức lôi cuốn cá nhân; Sự nỗ lực; Tôn trọng giá trị hợp pháp của DN.
Thứ năm, nâng cao kỹ năng tạo động lực làm việc cho nhân viên. Giám đốc DNNVV muốn sử dụng kỹ năng này để tác động lên nhân viên, làm cho họ có động lực làm việc tích cực, đạt hiệu quả cao, vì mục tiêu chung của DN thì giám đốc cần phải đánh giá được năng lực của nhân viên, chỉ ra cho nhân viên những hạn chế của họ trong công việc…
Thứ sáu, lãnh đạo DN là người khởi xướng và là người tạo ra những chuyển biến tích cực trong DN thông qua việc đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và để áp dụng công nghệ mới trong dây chuyền sản xuất, kèm theo đó là đổi mới, nâng cấp trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là phải chú trọng và đầu tư cho những ý tưởng đột phá.
Thứ bảy, nhà quản lý DN cần tạo điều kiện cho người lao động triển khai ý tưởng, từ đó lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí đánh giá năng lực của người lao động, qua đó, từ đó khuyến khích người lao động tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình làm việc.
Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương như: Nghiên cứu khoa học, trao đổi công nghệ, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác kinh doanh với các DN, các quốc gia phát triển trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Thị Quỳnh Trang, Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 4/2017;
2. Lê Quân, Nguyễn Quốc Khánh (2012), Đánh giá năng lực giám đốc điều hành doanh nghiệp nhỏ Việt Nam qua mô hình ASK, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, số 28;
3. Ngô Quý Nhâm (2012), Khung năng lực và ứng dụng trong hoạt động quản trị nhân sự. Số 94/2012 Tạp chí Nhà quản lý, tháng 03/2012;
4. Phạm Công Đoàn (2010), “Phát triển năng lực CEO Việt Nam”, Đề tài khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
5. Trần Thị Vân Hoa (2011), Nâng cao năng lực lãnh đạo cho giám đốc điều hành các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
6. Trần Xuân Sâm (1998), Xác định cơ cấu và tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đổi mới, NXB Chính trị quốc gia;
7. Thanh Nga (2021), Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả số lượng và vốn đăng ký, http://doanhnghiep.vinhphuc.gov.vn/ct/cms/chuyenmon/Lists/ Chamlotet/View_Detail.aspx?ItemID=896.
(*) ThS. Trần Thu Hà, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2021.