Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính
Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh tại Quyết định số 450/QĐ-TTg 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, các nội dung về chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính gồm: Tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
Về nhiệm vụ tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, cần thực hiện xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện đánh giá mức độ nhạy cảm, tính chống chịu của hệ thống môi trường tự nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, dự báo, đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.
Đồng thời, thực hiện đánh giá tác động, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược nhấn mạnh, cần thực hiện tổng kết, xây dựng và nhân rộng các giải pháp, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái, các giải pháp dựa vào tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi môi trường... phù hợp với các vùng, miền, địa phương.
Song song với đó, tiếp tục thực hiện trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng, nhất là rừng đầu nguồn lưu vực sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cần thực hiện lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường. Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu.
Về phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, Chiến lược yêu cầu thực hiện các nội dung gồm:
Thứ nhất, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng các vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường, từng bước hạn chế phát triển nhiệt điện than; kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Thứ hai, phát triển và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý/tiêu hủy kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn; kiểm soát, giảm thiểu phát thải mê-tan từ các bãi chôn lấp chất thải rắn.
Thứ ba, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát thải các-bon thấp, các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ tư, thực hiện Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.