Nâng cao năng lực tự động hóa hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Xác định cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan luôn là nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới hải quan số, hải quan thông minh. Để điện tử hóa mọi mặt hoạt động nghiệp vụ, thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp mới để tự động hóa các khâu trong hoạt động nghiệp vụ, từ đó tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hướng tới hải quan phi giấy tờ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, ngày 29/10/2021, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định số 2764/QĐ-TCHQ vêc việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch này nêu rõ mục tiêu hướng tới hoàn thiện môi trường làm việc điện tử (phi giấy tờ) trong công tác quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng nền tảng hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data)..., chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ, phấn đấu trở thành cơ quan hải quan số hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tiếp đó, để đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan ra Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022.
Theo đó, tại Chỉ thị này, Tổng cục Hải quan xác định rõ mục tiêu, kế hoạch đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ trong năm 2022 và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc triển khai các hệ thống tự động một cách đồng bộ, hiệu quả là ưu tiên số một của ngành Hải quan. Kế thừa và phát huy thành công của việc triển khai vận hành trơn tru Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS trước đây đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp và cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục.
Trên cơ sở các nền tảng công nghệ sẵn có và các hệ thống nghiệp vụ mà ngành Hải quan đã và đang triển khai như: Hệ thống VNACCS/VCIS, các hệ thống điện tử liên kết mới như Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM), Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, nộp thuế điện tử…
Những nền tảng công nghệ đã tạo cơ sở vững chắc cho việc điện tử hóa các chứng từ, dữ liệu thông tin liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Hải quan trong thời gian tới.
Điện tử hóa - “Chìa khóa” hiện thực hóa hải quan số, hải quan thông minh
Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nước ta. Bối cảnh đó đặt ra đối với ngành Hải quan là tiếp tục phát huy hiệu quả của các hệ thống nghiệp vụ để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, cơ quan hải quan các cấp đã chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bản scan từ bản chính nếu đã có thông tin trên Cổng thông tin điện tử do Bộ Công thương công bố.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung thực hiện quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không, cũng như tại các kho, bãi, địa điểm trong nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; sử dụng seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa vận chuyển bằng container.
Với vai trò giúp Bộ Tài chính làm cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã nỗ lực và vận hành có hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính thay cho việc phải nộp chứng giấy, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực triển khai thực hiện kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu tờ khai hải quan, dữ liệu thuế với các bên liên quan, như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương trong việc cấp C/O; cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước trong theo dõi thu nộp ngân sách; với ngân hàng trong hoạt động thanh toán; với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng trong công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu...
Tóm lại, những động thái quyết liệt của cơ quan hải quan trong cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước đã không chỉ giúp cán bộ, công chức trong Ngành đảm bảo thực hiện thông suốt nhiệm vụ được giao, mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thông quan hàng hóa nhanh chóng. Những hành động, việc làm này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.