Nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, sản phẩm ngành công nghiệp
Với “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp", Bộ Công Thương đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến…
Thực hiện Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa DN Việt Nam đến năm 2020", từ cuối năm 2011, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012.
“Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" là một trong 9 Dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các DN Việt Nam đến năm 2020. Dự án được triển khai với các mục tiêu:
Một là, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư nhằm tạo sự chuyển dịch cơ bản từ năng suất, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp sang năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao, tăng giá trị nội địa hóa góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); một số sản phẩm, hàng hóa công nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu;
Hai là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.
Tham gia Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp, DN được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma…
Triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã thực hiện các nhiệm vụ như: Tuyên truyền; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực như: Dệt may, thép, nhựa, hóa chất…; áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ…
Sau 9 năm triển khai, chương trình đã đem lại những lợi ích lớn đối với DN. Tham gia chương trình, DN được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma… Trong năm 2019 – 2020, Bộ Công Thương triển khai 278 mô hình/DN được hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số hệ thống quản trị, quản lý, giao mới. Năm 2020, dự kiến sẽ có 100 – 120 DN thực hiện.
Thực tiễn tại các DN ngành công nghiệp cho thấy, cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và sản xuất sản phẩm mới là 3 phương thức được DN lựa chọn nhiều nhất để cải thiện kết quả kinh doanh.
Trong lĩnh vực cơ khí, có thể kể đến Công ty TNHH cơ khí chính xác Seikico tham gia chương trình hỗ trợ triển khai áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) của Bộ Công Thương. Nằm trong khuôn khổ chương trình, công ty đã khởi động các nhóm cải tiến trọng điểm nhằm giảm chi phí công cụ và nâng cao năng suất sản xuất đối với sản phẩm mỏ kẹp – một trong những sản phẩm truyền thống của công ty.
Trong thời gian 3 tháng (8/2019 – 11/2019), với sự cố gắng và nỗ lực của các các nhóm và sự hỗ trợ sát sao từ ban lãnh đạo công ty, thời gian chuẩn bị máy và gia công sản phẩm sản phẩm mỏ kẹp đã giảm đáng kể. Với những kết quả đạt được, ước tính tiết kiệm năm đầu tiên cho công ty là 108 triệu và giảm giá thành tạo ra 1 đơn vị sản phẩm.
Trong lĩnh vực dệt may, để nâng cao năng suất chất lượng, nhiều DN đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000, hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025… Bên cạnh đó, một số DN đã tích hợp thành công cả 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000 như: Công ty May Đức Giang, May Hưng Yên...
Với ngành nhựa, có thể kể đến Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương đã lựa chọn áp dụng ISO 9001 và mô hình 5S để nâng cao năng suất chất lượng. Qua hơn một năm áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, lãnh đạo Công ty nhận thấy, DN mình đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ nhà xưởng, nơi sản xuất còn chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì đến nay, việc sắp xếp các khu làm việc đã được sạch, đẹp hơn; Khách hàng cũng đánh giá cao DN, dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số, hệ thống quản trị, quản lý đã góp phần giúp các DN ngành công nghiệp cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để tiếp tục hỗ trợ các DN ngành này tiếp tục đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, các cấp và các ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao nhận thức; tăng cường công tác đánh giá và quản lý; phát triển nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.