Trên 350 tiêu chuẩn kỹ thuật mới được áp dụng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới, năm 2011 Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, qua đó đã có hơn 350 tiêu chuẩn mới đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp áp dụng, triển khai.
Trải qua 10 năm thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ mà trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì được triển khai từ năm 2011 là một trong những minh chứng rõ nét. Cụ thể, nếu trước đây, việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả...), quy chuẩn Việt Nam (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện.
Số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2019, dự án đã đem lại gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hơn 500 tiêu chuẩn, xã hội hóa được 12 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn làm theo đặt hàng của các hiệp hội và doanh nghiệp (sử dụng kinh phí của doanh nghiệp). Đây là tín hiệu tốt, cho thấy xã hội quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hơn 250 tiêu chuẩn do các bộ, ngành xây dựng đã được chuyển tới Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trong đó nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chuẩn, các quy định mới này, các thành viên thực hiện dự án đã chú trọng đến việc phổ biến các chương trình hướng dẫn trên quy mô toàn quốc. Nhờ vậy, hơn 350 tiêu chuẩn mới đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị sẽ buộc phải áp dụng và tuân thủ các quy định đó trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa.
Nhìn lại những tác động của chương trình sau 10 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: “Khi chúng ta tập trung coi doanh nghiệp là trung tâm và lấy việc hỗ trợ đổi mới của doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách, bằng thúc đẩy áp dụng khoa học và công nghệ, những hoạt động của chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa một cách thiết thực. Sự lan tỏa của những chương trình như vậy đã cho thấy có sự thay đổi và chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.