Nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trong hội nhập
Là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản hiện nay nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Khảo sát về năng lực thực tế và khả năng cũng như lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, bài viết đề xuất một số giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam trong hội nhập.
Vị trí của hàng nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Việt Nam có năng lực cạnh tranh quốc gia mạnh trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Điều này thể hiện ở vị trí dẫn đầu của Việt Nam ở nhiều mặt hàng khác nhau. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thuỷ sản. Điển hình như:
Gạo: Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới với lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt 7-8 triệu tấn. Gạo Việt Nam có giá tương đối thấp và đặc biệt cạnh tranh ở các thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á và Châu Phi. Các chủng loại gạo của Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới gồm: Gạo trắng hạt dài, hạt vừa 5%, 15%, 25%, 100%; Gạo thơm: Jasmine, OM4900, Nàng Hoa…; Gạo nếp 10%, 100%; Gạo lức 5%; Gạo đồ…
Tinh bột sắn: Lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam mỗi năm đạt gần 4 triệu tấn, trong đó 1/2 là tinh bột sắn. Tinh bột sắn của Việt Nam được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều ngành khác nhau: Công nghiệp: giấy, hóa chất, dệt, xây dựng…; dược phẩm; thực phẩm. Thị trường tinh bột sắn của Việt Nam bao gồm: Trung Quốc; ASEAN; Ấn Độ; Nhật Bản; Hàn Quốc; Trung Đông; Châu Âu. Các chủng loại tinh bột sắn phổ biến: Tinh bột sắn thường; tinh bột sắn biến tính; bã sắn dạng viên, hạt. Mạng lưới xuất khẩu là gồm 50 nhà xuất khẩu và hơn 100 nhà nhập khẩu tinh bột sắn Việt Nam. Lượng hàng giao dịch thành công không ngừng gia tăng trong các năm gần đây đã chứng minh cho năng lực cạnh tranh của sản phẩm tinh bột sắn của Việt Nam.
Điều và các sản phẩm từ điều: Trong vòng 10 năm liên tiếp, Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều. Hiệp hội Điều Việt Nam, dự kiến cả năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng 320 ngàn tấn nhân hạt điều, đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Điều nhân của Việt Nam được ưa chuộng trên toàn thế giới. Nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Thị trường xuất khẩu điều chủ yếu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn là Hoa Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc chiếm đến 61,17%. Các thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh là Đức, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hà Lan. Giá hạt điều bình quân của Việt Nam xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2015 là 7.271 USD/tấn, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm 2014.
Tiêu: Việt Nam là nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, với 30% sản lượng toàn cầu và 50% lượng tiêu xuất khẩu của thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số 100.000 ha. Nếu trong năm 2014, xuất khẩu hồ tiêu đạt 156.000 tấn với 1,21 tỷ USD thì dự tính năm 2015, cả nước xuất khẩu khoảng 130.000 tấn, với kim ngạch 1,24 tỷ USD. Hiện có 20 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tốp các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Chủng loại hồ tiêu xuất khẩu hiện nay chủ yếu là tiêu đen (500g/l, 570g/l, 600g/l), tiêu trắng (630g/l). Tiêu của Việt Nam được xuất đi hơn 80 quốc gia, với các thị trường nhập khẩu chính: Mỹ, Đức, Hà Lan, Anh, Ấn Độ.
Nguyên liệu và thành phẩm gỗ: Việt Nam hiện đang đứng trong tốp 6 các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu gỗ lớn trên thị trường thế giới Năm 2015 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 7 tỷ USD dự kiến vào năm 2020 là 10 tỷ USD…
Khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản của Việt Nam
Khả năng cạnh tranh của gạo
Những năm gần đây, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan là những quốc gia xuất khẩu gạo chính (chiếm tới 71,81% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu). Điều này cho thấy, các nước xuất khẩu gạo có xu hướng tập trung và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia xuất khẩu gạo nhiều sang châu Á, châu Phi. Tuy nhiên, Thái Lan còn có khả năng thâm nhập được vào các thị trường gạo của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Canada... còn Việt Nam lại có thể xuất khẩu gạo sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đối với thị trường châu Phi, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với Ấn Độ và Pakistan nhất là với loại gạo tấm 5%; tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số một của nước ta tại khu vực này, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới. Ghana, Bờ Biển Ngà, Nam Phi và Algeria vẫn là nước mua hàng chính từ châu Phi trong năm 2015. Sự gia tăng trong xuất khẩu đến các quốc gia châu Phi là do giá gạo Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan và Ấn Độ.
Về giá xuất khẩu gạo, số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế cho thấy, trong khi các nước Thái Lan và Hoa Kỳ tập trung vào xuất khẩu các loại gạo có chất lượng cao, giá cao hơn hẳn so với các nước khác, bình quân giao động trong khoảng 600-700 USD/tấn, ngược lại Ấn Độ và Pakistan có xu hướng phát triển mạnh về sản lượng để xuất khẩu gạo giá rẻ nhiều hơn, bình quân khoảng 400 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm Việt Nam được định giá khoảng 320 USD mỗi tấn so với gạo 25% tấm Thái Lan và gạo 25% tấm Ấn Độ định giá lần lượt khoảng 345 USD mỗi tấn và khoảng 340 USD mỗi tấn. Mặt khác, gạo 5% tấm Việt Nam được chào giá ở mức khoảng 330 USD mỗi tấn so với gạo 5% tấm Thái Lan và gạo 5% tấm Ấn Độ lần lượt vào khoảng 360 USD mỗi tấn và khoảng 365 USD mỗi tấn.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2015 xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường trọng điểm tại châu Phi đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Algeria tăng 32% về lượng và 29% về trị giá kim ngạch, sang Angola tăng 49% về lượng và 33% về kim ngạch, sang Bờ Biển Ngà tăng 14% về lượng và 22% về kim ngạch, sang Ghana tăng 15% về lượng và 12% về kim ngạch.
Khả năng cạnh tranh cao su
Thời gian qua, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quan trọng về quy hoạch và hỗ trợ để ngành Cao su phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Hiện nay cao su Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 70 nước trên thế giới, giữ vững vị trí thứ ba về sản lượng và thứ tư về xuất khẩu cao su trên thế giới. Giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su Việt Nam từ công nghiệp chế biến đang có tốc độ phát triển nhanh, trên 30% hàng năm. Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 3% về lượng, giá trị đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm gần 10% so với năm 2014.
Khả năng cạnh tranh của hồ tiêu
Hồ tiêu Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ và luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu. Chỉ riêng năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 160.000 tấn, chiếm khoảng 58% thị trường hồ tiêu thế giới với giá trị trên 1,2 tỷ USD. Ấn Độ, Brazil và một số nước khác nắm giữ số thị phần còn lại. Có thể nói, hồ tiêu Việt Nam đang nắm quyền chi phối ngành hàng nông sản này trên toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây cũng là 3 thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm gần 40% thị phần.
Với tình hình trên giới chuyên gia dự báo, hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục thống trị thị trường thế giới trong năm 2016 và khả năng vẫn còn tiếp tục giữ vững ngôi vị này trong 5 năm tới. Hệ số lợi thế so sánh trông thấy của mặt hàng tiêu Việt Nam cũng lớn hơn nhiều so với các nước cùng xuất khẩu tiêu trên thế giới.
Như vậy, trải qua 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhanh, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tự tin bước vào hội nhập thị trường nông sản quốc tế. Nhiều mặt hàng nông sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới... Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, phát triển nông thôn, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản nước ta vẫn còn rất thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường; Thiếu nguồn thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như xu hướng tiêu dùng tại một số thị trường cụ thể.
Thêm nữa, năng lực tìm kiếm thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp còn yếu; dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác, đặc biệt doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh mà bỏ quên người nông dân, người trực tiếp làm ra sản phẩm. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản Việt Nam…
Một số đề xuất, kiến nghị
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới trước hết cần tập trung tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Cần cải tạo, phát triển các loại giống có năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật
- Tổ chức lại sản xuất để tạo sức mạnh cung cấp cho thị trường những lô hàng nông sản lớn.
- Thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần nông nghiệp, qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
- Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi với điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa); công nghệ sau thu hoạch.
Thứ hai, cần đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại nông sản chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm nông sản của nước ta chiếm lĩnh thị trường trong nước vươn mạnh ra thị trường quốc tế. Trong đó:
- Chú trọng các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật và kinh tế làm cho sản phẩm thích ứng với thị trường. - Xác định rõ chủng loại và thị trường xuất khẩu chủ yếu, bảo đảm giống tốt cho cây trồng xuất khẩu.
- Xây dựng một danh mục hàng hóa nông sản cho xuất khẩu. Lựa chọn những loại đặc sản thị trường thế giới đang có nhu cầu lớn, dễ trồng mà các nước trong khu vực không có hoặc chưa chú ý sản xuất nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm.
Thứ ba, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản... sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của Việt Nam.
Thứ tư, hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường từ trung ương đến các địa phương:
- Thành lập các điểm thông tin thị trường ở các vùng chuyên canh có tỷ suất hàng hóa lớn.
- Phối hợp hoạt động của các điểm thông tin với hoạt động của các tổ chức khuyến nông, các câu lạc bộ, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
- Tăng cường việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và nông dân.
- Duy trì và phát triển các trang điện tử trên mạng Internet về nông sản và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản.
- Đặt vấn đề với các tổ chức quốc tế, đề nghị trợ giúp kỹ thuật xây dựng thí điểm sàn giao dịch nông sản và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản.
- Có chính sách khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản tham gia các hội chợ nông sản trong nước và quốc tế, xây dựng các trung tâm giao dịch và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài..
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tiếp tục duy trì và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác nhằm xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ nông dân trong phát triển sản xuất nông sản có quy mô lớn như: Chính sách khuyến khích nông dân, sản xuất theo quy hoạch; thực hiện hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu; chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản... nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.