Nâng cao tỷ lệ ủng hộ hàng Việt Nam
Qua 13 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt Nam xuất hiện trong hệ thống phân phối ngày càng tăng cao, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, hàng hóa trong nước vẫn đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu.
Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị Nguyễn Minh Trang (ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) đã mua sắm rất nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm, quần áo mới. Tuy nhiên, năm nay, gia đình chị không tốn quá nhiều chi phí do chị ưu tiên chọn hàng sản xuất trong nước.
Chị Trang cho biết: “Các năm trước mình hay cầu kỳ mua bánh kẹo, thực phẩm nhập khẩu, nhưng những năm gần đây, thấy hàng sản xuất trong nước cũng rất đa dạng, mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá thành lại phù hợp hơn, nên mình đã lựa chọn hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các loại hàng sản xuất trong nước còn được bày bán phổ biến, rất dễ tìm mua ở nhiều địa điểm trên khắp địa bàn thành phố”.
Tại nhiều hệ thống siêu thị BRGMart/HaproMart, AEON, Co.opmart Hà Nội, Big C Thăng Long, Lotte Mart... tại Hà Nội, các sản phẩm hàng Việt Nam được bày phổ biến trên các kệ hàng. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là hơn 90%.
Nhiều thương hiệu Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như bánh kẹo Hà Nội, Ngọc Minh, cà-phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk... Theo thống kê của Bộ Công thương, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm từ 60 đến 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Từ đó có thể thấy xu hướng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã trở nên phổ biến.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung nhận định, để hàng Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, các doanh nghiệp cũng cần áp dụng số hóa để cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn..., tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt-Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hàng bán ra nước ngoài có chất lượng thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng. Chính người tiêu dùng nội địa là “phép thử” tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ngày càng có sự lan tỏa và đạt kết quả tích cực trên địa bàn Thủ đô. Nhất là sau giai đoạn đại dịch COVID-19, xu hướng người Việt Nam dùng hàng hóa sản xuất trong nước càng rõ hơn, góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, các doanh nghiệp cũng có sự nhìn nhận, đánh giá thị trường trong nước một cách đúng đắn, thấy được tiềm năng rất lớn của thị trường 100 triệu dân.
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, để hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng.
“Hằng năm, thành phố Hà Nội luôn tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt, mà còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh sân nhà”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Để cuộc vận động phát huy hiệu quả vững chắc hơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Thành phố tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm, tạo thói quen tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, bảo vệ hàng hóa trong nước...