Nâng cao vị thế hàng nông sản Việt Nam

PV.

(Tài chính) Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đã có đóng góp quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều loại nông sản của nước ta như ngô, đậu tương, bông… vẫn có khả năng cạnh tranh thấp. Do đó, để phát huy được hiệu quả tối đa công nghệ cao ứng dụng cho nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể.

Khâu đột phá phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) về giống, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới đã được chuyển giao áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao vị thế hàng nông sản Việt Nam trên thế giới. Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, ngành phải xây dựng một chiến lược phát triển KHCN, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất toàn ngành.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chỉ rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp cần tiến hành suốt quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, có nhiệm vụ “Phát triển nhanh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn” và “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”.

Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đã có đóng góp quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng, giá trị xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới như: Điều, tiêu, cà phê, gạo, chè… So với năm 1976, sản lượng lúa năm 2014 tăng 4,3 lần; ngô 13,4 lần; cao su 23,6 lần; nuôi trồng thủy sản tăng 25,2 lần; giá trị sản xuất tăng 5,1 lần. Đặc biệt, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân cả nước đạt 72,8 triệu đồng/ ha, tăng 1,6 lần so với năm 2009; giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản đạt 145,3 triệu/ha, tăng 1,67 lần.

Nếu như năm 2001, chỉ có mặt hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến năm 2014 đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: thủy sản (4 tỷ USD); gạo (3 tỷ USD), cà phê (3,6 tỷ USD), cao su 1,8 tỷ USD… Nhờ đó, thu nhập, đời sống của đại bộ phận cư dân nông thôn được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo còn 6%, giảm 2% so với năm 2013.

Mặc dù KHCN được xác định là một trong những khâu đột phá phục vụ tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nhưng việc ứng dụng còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều đề tài, dự án sau khi nghiệm thu đã không triển khai được vào sản xuất. Đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai và vốn: Đất đai manh mún, chậm dồn điền đổi thửa; vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm mà độ rủi ro tương đối cao. Do vậy, các DN vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Hiện cả nước mới chỉ có 6 DN nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này có thể kể đến như:

Một là, do cơ chế, chính sách chưa thực sự được cởi trói. DN là đối tượng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN thế nhưng cơ chế hiện nay lại chưa thực sự tạo điều kiện. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có hơn 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là DN nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng doanh thu. Thêm vào đó, cơ chế tài chính thanh toán các đề tài, dự án khoa học rất phức tạp.

Hai là, trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghiên cứu KHCN còn phân tán, thiếu tính đột phá, ứng dụng không cao. Nhiều cơ sở nghiên cứu của Nhà nước lại chậm đổi mới. Hiện nay, đầu tư ngoài ngân sách cho nông nghiệp mới chỉ chiếm 28%.

Ba là, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu KHCN còn thấp, giai đoạn 2008 - 2013, tổng kinh phí Nhà nước chi cho KHCN cấp về Bộ NN&PTNT xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN của cả nước nhưng tiền chi lương và hoạt động bộ máy đã chiếm hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 32%), riêng năm 2014, kinh phí sự nghiệp khoa học là hơn 726 tỷ đồng.

Do việc áp dụng KHCN trong nông nghiệp còn hạn chế nên nhiều loại nông sản của nước ta như ngô, đậu tương, bông… có khả năng cạnh tranh thấp. Nhiều sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh doanh thấp do tiêu tốn nhiều vật tư đội giá thành lên cao. Bên cạnh đó, nhiều giống mới chậm được đưa vào sản xuất, hiện nay ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có khoảng 30 – 40% giống lúa xác nhận được đưa vào sử dụng.

Bước vào giai đoạn phát triển sâu hơn

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng KHCN nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng. Để phát huy được hiệu quả tối đa KHCN ứng dụng cho nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể.

Thứ nhất, chú trọng vào chính sách liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, khoa học, DN, nhà tư vấn và nhà nông, trong đó sự năng động, sáng tạo của DN đóng vai trò trung tâm. Đồng thời, liên kết chặt chẽ hơn giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với các DN đảm bảo nghiên cứu KHCN bắt đầu từ thị trường.

Thứ hai, cần phải đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tăng đầu tư ngân sách nhà nước. Ưu đãi về tín dụng cho các tổ chức khoa học và công nghệ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật

Thứ ba, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia, những sản phẩm có tiềm năng trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư về KHCN trong chọn, tạo giống, tổ chức sản xuất, xuất khẩu.

Thứ tư, bên cạnh đó, xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Thứ năm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, tín dụng, cơ sở hạ tầng tạo môi trường, hấp dẫn thu hút vào tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài đầu tư kinh doanh.

Thứ tám, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả tại những vùng nông nghiệp trọng điểm.

Thứ chín, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong quản lý hoạt động KHCN, quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản.