Nâng cao ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) là hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) sẽ mang đến nhiều lợi ích, giúp quảng bá thương hiệu, tạo dựng niềm tin đối với công chúng và tăng lợi thế cạnh tranh cho DN. Mặc dù vậy, không phải DN nào tại Việt Nam cũng tuân thủ đạo đức trong kinh doanh, thực hiện trách nhiệm đối với xã hội. Xuất phát từ thực tế thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội của các DN Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao ý thức, hỗ trợ các DN Việt Nam thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội.
Cơ sở lý thuyết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Khái niệm về trách nhiệm xã hội được trình bày bởi Abrams (1951) trong một bài viết trên Tạp chí kinh doanh của Đại học Harvard về trách nhiệm quản lý trong một thế giới phức tạp (Abrams, 1951). Tiếp theo đó, một doanh nhân người Mỹ Howard Bowen xuất bản cuốn sách về trách nhiệm xã hội của doanh nhân năm 1953 (Bowen, 2013), trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của do DN đối với quyền và lợi ích của các bên liên quan. Khái niệm này tiếp tục được phát triển bởi nhiều tác giả sau đó và được hiểu ở nhiều giác độ khác nhau.
Carroll (1991) cho rằng, trách nhiệm xã hội liên quan đến việc hoạt động của một DN để có lợi ích kinh tế, chấp hành pháp luật, đạo đức và hỗ trợ xã hội. Chịu trách nhiệm xã hội có nghĩa là đạt được lợi nhuận và tuân theo pháp luật là điều kiện ưu tiên hàng đầu khi nói về đạo đức của công ty và mức độ mà công ty đóng góp vào xã hội thông qua các hình thức khác nhau.
Theo Prakash và Sethi (1975), trách nhiệm xã hội của DN hàm ý nâng hành vi của DN lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến. Như vậy, CSR là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác như đạo đức kinh doanh, DN làm từ thiện, công dân DN, tính bền vững và trách nhiệm môi truờng (Matten và Moon, 2004).
Mặc dù, có nhiều phát biểu liên quan đến CSR nhưng nhìn chung, CSR được hiểu là cam kết của DN đối với đạo đức kinh doanh, không những nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. CSR được lồng ghép và đưa vào chiến lược kinh doanh, trở thành nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của DN.
Lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội
DN càng thể hiện tốt trách nhiệm đối với môi trường, quan tâm đến sức khỏe và an toàn lao động, tạo ra những sản phẩm cho chất lượng để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước thì lợi thế cạnh tranh của DN càng cao.
Trong ngắn hạn, một DN thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội có thể đối mặt với các khoản chi phí như: Chi phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải từ sản xuất công nghiệp, chi phí bảo hiểm, bảo hộ cho người lao động hay chi phí đầu vào cao hơn từ những nguồn nguyên vật liệu có chất lượng và đạt tiêu chuẩn về độ an toàn.
Về dài hạn, DN sẽ thu lại những giá trị vô hình rất lớn, đó chính là thương hiệu, là niềm tin và sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Sản phẩm của các DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Như vậy, khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, DN sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững như: Nâng cao uy tín và hình ảnh của DN; củng cố vị trí và mở rộng thị phần của DN; tạo động lực cho người lao động và thu hút nhân tài; cải tiến chất lượng, gia tăng năng suất trong dài hạn…
Thuyết quản trị “đại diện” của Milton Friedman và trường phái đối lập
Theo Milton Friedman (1970), DN chỉ có một trách nhiệm duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận, gia tăng giá trị cổ đông, trong khuôn khổ luật chơi của thị truờng là cạnh tranh trung thực và công bằng. Nghĩa là, nguời quản lý DN là những nguời đại diện cho chủ sở hữu đứng ra quản lý công ty. Mục tiêu chính của nguời quản lý DN là tạo ra lợi nhuận càng nhiều càng tốt và họ chỉ có trách nhiệm đối với người chủ sở hữu công ty đã lựa chọn họ để làm đại diện. Trách nhiệm của DN đối với Nhà nuớc là đóng góp thuế. Còn trách nhiệm của Nhà nuớc là sử dụng tiền thuế đó hiệu quả nhất vì lợi ích công cộng. Như vậy, nếu DN cũng thực hiện các trách nhiệm xã hội thì sẽ có sự trùng lặp và DN sẽ trở thành người vừa đóng thuế, vừa quyết định việc chi tiêu khoản thuế đó. Do đó, truờng phái phản đối CSR cho rằng các chương trình lấy tên “trách nhiệm xã hội” của DN chỉ để PR cho danh tiếng, giả tạo, mục tiêu cuối cùng của DN vẫn là vì lợi nhuận.
Trường phái ủng hộ CSR không bác bỏ toàn bộ những lập luận trên nhưng họ đưa ra một lập luận khác cũng hết sức thuyết phục là bản thân công ty khi đi vào hoạt động giống như một cơ thể sống, sử dụng nguồn lực của xã hội, do đó DN phải có ý thức về những tác động từ hoạt dộng sản xuất kinh doanh của mình và có trách nhiệm với chính hành vi của mình trước xã hội. Nếu DN chỉ nhìn nhận đơn giản rằng, DN hoạt động duy nhất vì lợi nhuận và chỉ có nghĩa vụ đóng thuế để bù đắp lại chi phí xã hội sẽ thấy vấn đề ô nhiễm môi truờng và chi phí xã hội mà DN gây ra có thể lớn hơn rất nhiều so với tiền thuế mà công ty đã đóng cho Nhà nước.
Hơn nữa, có những mất mát về vấn đề môi trường và sức khỏe, an toàn cho cộng đồng không thể dùng tiền để khôi phục. Do đó, không thể tách rời hoàn toàn giữa tính chất kinh tế và xã hội khi nhìn nhận bản chất và hoạt động của DN. Vì vậy, nguời quản lý DN cần thực hiện các trách nhiệm xã hội vì nghĩa vụ và lợi ích của chính DN.
Vấn đề đạo đức trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Việt Nam
Trước áp lực từ công chúng và pháp luật, hầu hết các công ty lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chủ động lồng ghép CSR vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chương trình đã được thực hiện như: Sử dụng nhiên liệu tái sinh, giảm khí thải công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp xanh và các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
Khảo sát của công ty McKinsey năm 2007 cho thấy, có 84% số quản trị viên cao cấp cho rằng, việc đóng góp vào các mục tiêu xã hội của cộng đồng cần được tiến hành song song với việc gia tăng giá trị cổ đông, chỉ có 16% cho rằng lợi nhuận là mục tiêu duy nhất. 51% và 48% ý kiến lần luợt cho rằng, môi trường là vấn đề hàng đầu thu hút sự quan tâm của công luận và có ảnh huởng tiêu cực hoặc tích cực nhất đối với giá trị cổ đông. Khi được hỏi về ảnh huởng xấu mà các công ty lớn có thể gây ra cho cộng đồng, 65% cho rằng, đó là ô nhiễm môi trường, 40% đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe con nguời và 30% gây áp lực chính trị. Về các ảnh huởng tích cực mà DN đem lại thì tạo việc làm được xếp cao nhất với 65% ý kiến tán thành, tiếp đó tiến bộ khoa học công nghệ với 43%, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhu cầu con nguời 41% và nộp thuế 35%.
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều DN thực hiện rất tốt CSR, trong đó một số DN có thể đề cập tới như:
(i) Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk Việt Nam là một trong những DN triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt các tiêu chí đầu tư môi trường - xã hội - quản trị (ESG) về đạo đức trong trách nhiệm đối với xã hội. Năm 2020, Vinamilk nằm trong số các DN tiên phong và được giới đầu tư đánh giá cao về áp dụng các tiêu chí ESG trong hoạt động kinh doanh với điểm ESG cao hơn 58% so với trung bình Ngành. Ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng hệ thống biogas tại các trang trại bò sữa, biến chất thải thành tài nguyên như phân bón, nước, khí đốt… đã giúp Vinamilk giảm thiểu chất thải và khí nhà kính, vận hành các trang trại thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, Vinamilk đã thực hiện nhiều chương trình dinh dưỡng cho trẻ em với quy mô lớn, được thực hiện dài hạn như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam hay chương trình Sữa học đường. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các hoạt động này không những không bị gián đoạn mà còn được Vinamilk đẩy mạnh để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em theo cam kết của công ty. Cũng trong đại dịch, Công ty đã đóng góp tích cực cho các công tác phòng chống dịch, chi mua thiết bị y tế và hỗ trợ cộng đồng cùng với lực lượng tuyến đầu trên cả nước.
(ii) Tập đoàn FPT đã phát triển cùng chiến lược 3P (Profit, People, Planet). Theo đó, bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận, Công ty còn quan tâm đến các hoạt động thực tế như: Nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường làm việc và tham gia các hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo.
(iii) Tập đoàn VinGroup đã thành lập Quỹ Thiện tâm và Quỹ Đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ cho các hoạt động từ thiện vì cộng đồng, tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với nhiều đóng góp quan trọng không chỉ cho dân chúng, lực lượng tuyến đầu chống dịch mà cả cho các đối tác kinh doanh.
(iv) Công ty P&G Việt Nam thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, xây nhà tình thương cho người nghèo tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình Nước uống sạch cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ khẩn cấp tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt.
(v) Coca-Cola với sáng kiến Ekocenter - dựa trên việc cung cấp 4 ích lợi chính cho cộng đồng địa phương (nước uống sạch, trao quyền cho phụ nữ, phát triển đời sống văn hóa và tinh thần, giải pháp về rác thải nhằm bảo vệ môi trường) cũng đã tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội.
Mặc dù, hiểu rõ nguyên tắc tồn tại lâu dài nhưng vẫn còn nhiều DN Việt Nam né tránh thực hiện trách nhiệm xã hội. Hàng loạt các vi phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích xã hội, chẳng hạn như: Công ty Vedan thải chất thải công nghiệp ra sông Thị Vải năm 2008 đã làm chết hàng loạt thủy hải sản và sức khỏe người dân khu vực xung quanh. Công ty này đã xả thải ra môi trường, tự ý tăng công suất các khu sản xuất lên từ hai đến ba lần và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau những sai phạm trên, Công ty Vedan buộc phải dừng mọi hoạt động xả thải, tạm đình chỉ hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải và dịch thải cho tới khi có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, Công ty Vedan đã phải chi trả chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế. Công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian bị tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành. Mặc dù, Công ty đã nỗ lực giải quyết hậu quả do sai phạm trên nhưng tất cả những đóng góp đó không đủ phục hồi lại cho thiệt hại môi trường mà Công ty đã gây ra.
Năm 2020, Công ty cổ phần Mía đường La Ngà tại Đồng Nai cũng phải tạm ngưng hoạt động do vi phạm trách nhiệm xã hội, vì đã thải bụi, khí thải vượt mức quy định và xả nước thải vào nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Hay hàng loạt các sai phạm của các cụm công nghiệp tại Bắc Ninh năm 2021, các công ty này đã có hành vi xả nước thải vượt chỉ số môi trường; hoạt động sản xuất mà không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ.
Cụ thể như, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Tiến Mạnh; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Thảo My và Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ thương mại một thành viên Việt Tiến đã không có báo cáo tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Công ty Cổ phần giấy Hoàng Ngân và Công ty Sản xuất và Thương mại Vạn đã có hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thông thường. Công ty TNHH Sản xuất Giấy Thanh Hà và Hợp tác xã Cổ phần Long Khánh không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Năm 2021, vụ án buôn lậu xăng dầu giả xuyên các tỉnh khu vực phía Nam (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An) đã được phát hiện và xử lý. Lượng xăng kém chất lượng được cung cấp ra thị trường không chỉ gây tổn hại đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến tài sản của các cá nhân và tổ chức kinh tế. Đây là hành vi sai phạm trách nhiệm xã hội nghiêm trọng đáng bị lên án và cần phải được xử lý nghiêm minh.
Kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam
Vinamilk là một ví dụ điển hình cho việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật và có trách nhiệm đối với xã hội. Cũng chính vì vậy, Vinamilk ngày càng khẳng định vị thế và trở thành một thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam, với những sản phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, những hoạt động vì cộng đồng của Công ty cũng là một yếu tố gắn kết công ty với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngược lại, sai phạm của Công ty Vedan là một bài học đắt giá trong phát triển bền vững. Công ty Vedan không những chịu trách nhiệm trước pháp luật và còn đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, của đối tác và các nhà đầu tư, đây là những thiệt hại lớn và lâu dài nhất mà Công ty gặp phải.
Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ về CSR và đại đa số DN chỉ nhìn được phần lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, không phải bất kỳ cá nhân nào trong xã hội (bao gồm cộng đồng dân cư, người lao động và người tiêu dùng) cũng am hiểu về CSR, trong khi đây là những đối tượng sẽ tác động trực tiếp đến hành vi của DN. Do đó, để nâng cao CSR của DN, Nhà nước cần tăng cường phổ biến và nâng cao nhận thức về CSR cho các tổ chức, DN và cả cộng đồng dân cư, người lao động và cả người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khuyến khích DN tăng cường hợp tác với các đối tác kinh doanh nước ngoài để học hỏi và xây dựng quy trình công nghệ tiên tiến, vừa giúp gia tăng chất lượng sản phẩm sản xuất vừa xử lý được các vấn đề liên quan tới nhiên liệu đầu vào (ưu tiên sử dụng nhiên liệu sạch) và xử lý chất thải ra môi trường.
Việc xử phạt hành chính hay khung xử lý hình sự vẫn chưa đủ tính răng đe đối với những tổ chức, DN có hành vi cố ý làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng như: Gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng gây hại đến sức khỏe người dân. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật xây dựng chế tài nghiêm khắc hơn, tăng khung xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đúng việc, đúng người chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi sai phạm liên quan đến CSR; Cần đẩy mạnh hoạt động vinh danh những tấm gương sáng vì cộng đồng, thể hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội.
Các giải thưởng CSR đã khuyến khích các DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong quản lý lao động, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao tăng cường trao đổi, hợp tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Nhà nước cũng nên ban hành các chính sách để tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn cho các DN thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Kết luận
CSR ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng mà các công ty cần phải xem xét trong chiến lược phát triển bền vững. Ngày nay, đa số DN đều mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, vì họ nhận ra rằng CSR thực sự có thể làm tăng sức ảnh hưởng đối với công chúng, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho DN... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những hành động thiết thực để khuyến khích DN thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội, cũng như cần thiết đưa ra các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn trước những hành vi cố tình vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thu Thủy và Nguyễn Hồng Quân (2017), “ Hoạt động trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhật bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, https://www.researchgate.net/publication/339593337.
2. Prakash và Sethi (1975), “Dimensions of Corporate Social Performance: An Analytical Framework”. Research Article, April 1, 1975, https://doi.org/10.2307/41162149.
3. Matten và Moon (2004), "Implicit" and "Explicit" CSR: A Conceptual Framework for a Comparative Understanding of Corporate Social Responsibility”, The Academy of Management Review 33(2), April 2008 DOI:10.5465/AMR.2008.31193458.
4. Caroll (1979), “A Three-Dimensional Conceptual Model of Corporate Performance”, The Academy of Management Review, Vol. 4, No. 4 (Oct., 1979), pp. 497-505.
* ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Trường Đại học Văn Lang
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2021