Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm - Người gửi tiền sẽ được bảo vệ tốt hơn


Để duy trì hoạt động an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng một quốc gia thì cần thiết phải xây dựng hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, trong đó nên có chính sách phù hợp về hạn mức trả tiền bảo hiểm bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến việc tăng hay giảm niềm tin công chúng hoặc hạn chế các phản ứng tiêu cực dẫn đến hành vi rút tiền hàng loạt gây tổn thất lớn cho hệ thống ngân hàng.

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Phân loại hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền bảo hiểm tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi của một người được BHTG tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Bảo đảm đầy đủ: là hình thức bảo hiểm 100% cho người gửi tiền và phần lớn hệ thống ngân hàng trước nguy cơ rút tiền hàng loạt. Xét trên phương diện tích cực, hình thức này có thể làm giảm nguy cơ rút tiền tại các ngân hàng kém thanh khoản; tuy nhiên, cũng có thể gây xói mòn trật tự thị trường và gia tăng các nguy cơ rủi ro đạo đức vì mặc dù nhiều người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, nhưng do tâm lý bất ổn vẫn thực hiện hành vi rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng đang có vấn đề, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường tài chính.

Bảo đảm một phần: là hình thức chỉ bảo hiểm một phần nhất định trên tổng số dư tiền gửi. Thông thường, ít khi các tổ chức BHTG lựa chọn hình thức “Bảo hiểm toàn phần” hay “Bảo đảm một phần”. Hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể cao hay thấp tùy thuộc vào mục đích công được đặt ra theo từng thời kỳ chính sách của tổ chức BHTG.

Cơ sở thiết lập hạn mức trả tiền bảo hiểm

Có nhiều các xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm, cụ thể: GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát, biến động tỷ giá, mức độ rủi ro hệ thống, niềm tin công chúng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/số người gửi tiền được bảo hiểm, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức/GDP bình quân đầu người. Cần tính toán kỹ càng các chi phí tiềm tàng có thể phát sinh khi quy định mức trả tiền bảo hiểm, cụ thể: khi hạn mức trả tiền bảo hiểm quá cao sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro đạo đức lớn hoặc làm tăng yêu cầu vốn bổ sung, ngược lại nếu quá thấp thì có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, tùy thuộc vào các quy định của từng quốc gia, tổ chức BHTG sẽ áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm cao hoặc thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường tài chính, đồng thời hạn chế trường hợp phát sinh chi phí trong nền kinh tế.

Trong thời kỳ khủng hoảng, cần đề cao hoạt động tương tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính, tăng cường hoạt động giám sát và phát hiện sớm các dấu hiệu đổ vỡ nhằm ngăn ngừa khủng hoảng hệ thống, đồng thời tích cực tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần kịp thời đề ra các biện pháp liên quan đến việc mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm để kịp thời trấn an tâm lý dư luận, từ đó góp phần duy trì lành mạnh hệ thống tài chính.

Điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm – một số kinh nghiệm quốc tế

Nhằm hướng tới củng cố hệ thống BHTG, tăng cường bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tới thị trường tài chính, nhiều quốc gia đã tuyên bố nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đây là một giải pháp chính sách hiệu quả bởi khi hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng cao, niềm tin công chúng sẽ được củng cố, tránh được tình trạng rút tiền hàng loạt trong người gửi tiền, đồng thời ngăn ngừa các phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ thống ngân hàng khi có sự cố xảy ra. Như Tổng công ty BHTG Mỹ (FDIC) tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 100.000 USD lên đến 250.000 USD từ năm 2013 đến nay. Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính, đỉnh điểm là sự sụp đổi của ngân hàng Lehman Brothers, 2 quốc gia là Úc và New Zealand đã đồng loạt nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2008 nhằm trấn an tâm lý người gửi tiền, cụ thể: Úc tăng từ 0 lên 1 triệu đô-la Úc, New Zealand từ 0 lên 1 triệu đô-la New Zealand. Tại khu vực Châu Âu, một số quốc gia đã nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn, tiêu biểu có: Đức, Đan Mạch, Ireland. Đại diện khu vực Châu Á bao gồm:  Hồng-Kông, Singapore cũng đã triển khai biện pháp chi trả không giới hạn để củng cố niềm tin người gửi tiền.

Đề xuất chính sách

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong những tháng gần đây đã khiến nền kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại. Trong thời gian qua, để tạo điều kiện hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thực hiện hiệu quả các giải pháp này, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm. Điều này có thể phần nào tác động đến tâm lý người gửi tiền.

Ngoài ra, từ phân tích phần trên có thể thấy so với thông lệ quốc tế, hạn mức BHTG tại Việt Nam hiện nay là tương đối thấp. Tại thời điểm năm 2018, hạn mức BHTG (theo đô la Mỹ) của Việt Nam thấp thứ 5/18 tổ chức BHTG trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia trả lời khảo sát, chỉ cao hơn Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Cộng hòa Kyrgyz. Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98,00%), Singapore (91,00%).

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, hạn mức BHTG trên thế giới dao động ở mức từ dưới 1.000 đô la Mỹ đến 300.000 đô la Mỹ. Một số tổ chức BHTG áp dụng bảo hiểm toàn bộ. Tính đến hết năm 2018, hạn mức BHTG trung bình là 70.000 đô la Mỹ cho mỗi cá nhân tại mỗi tổ chức tín dụng và đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam nằm trong số những nước có hạn mức BHTG thấp nhất thế giới (thấp thứ 15/113 tổ chức trên thế giới tham gia trả lời khảo sát).

Trong khi đó, điều kiện kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi cũng như năng lực tài chính của BHTGVN đã tăng đáng kể. Vì vậy, việc tăng hạn mức BHTG để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam là cần thiết. Hạn mức BHTG được điều chỉnh tăng sẽ giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, từ đó duy trì tiền gửi của người dân góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.