Năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp (DN) Việt, thế nhưng máy móc, thiết bị và công nghệ của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Trong bối cảnh cần phải tái cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng xanh, đâu là cơ chế khuyến khích các đối tượng này thay đổi?
Nhiều chính sách ưu đãi
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về cơ chế khuyến khích hỗ trợ DNNVV và hộ kinh doanh trong ngành công nghiệp chế tạo sử dụng năng lượng tái tạo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đến nay, số lượng DNNVV và các hộ sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp chiếm 16,5 - 17% tổng số DNNVV. Đây cũng là khối DN sử dụng lượng lớn năng lượng của nền kinh tế với 23,5 tỷ TOE, chiếm 43% tổng tiêu dùng.
Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM cho biết, tái cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng xanh, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hướng dẫn thực hiện Luật, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 21/2011/NĐ-CP; Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg về việc quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện…
Cùng với đó là nhiều chương trình hỗ trợ DN và hộ sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như các chương trình đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến. Cơ chế là vậy, thế nhưng theo ông Chiều, hiệu quả sử dụng năng lượng của các DN, hộ kinh doanh trong ngành công nghiệp vẫn thấp.
“Các DN và hộ kinh doanh phần lớn sử dụng công nghệ cũ, có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Theo kết quả nghiên cứu của CIEM, năm 2015 chỉ có 14% số DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được điều tra có công nghệ dưới 3 năm, 53% có công nghệ từ 6 năm trở lên”, ông Chiều cho biết.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, có 76% DN chế biến, chế tạo tại Hà Nội được điều tra cho rằng mức tiêu thụ năng lượng của DN lớn bằng mức trung bình của thế giới.
Đổi mới cơ chế khuyến khích theo hướng nào?
ại Tọa đàm Đổi mới cơ chế khuyến khích hỗ trợ DNNVV và hộ kinh doanh trong ngành công nghiệp chế tạo sử dụng năng lượng tái tạo do CIEM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, DN và hộ sản xuất kinh doanh chưa mặn mà với sử dụng năng lượng tái tạo là do độ vênh giữa chính sách và thực thi vẫn còn lớn.Theo đại diện Bộ Công Thương, chúng ta có chính sách nhưng thực tế vẫn thiếu nguồn lực, nên hiệu quả thực thi chính sách còn hạn chế. Mặt khác, trên thực tế có tình trạng chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ. Ông Nguyễn Hải Nam, chuyên gia năng lượng thuộc Viện Khoa học năng lượng cho rằng, thực tế nguồn cung năng lượng tái tạo vẫn chưa ổn định nên chưa tạo được sự tin tưởng đối với bên mua điện. Hơn nữa, các nhà đầu tư phàn nàn rằng, giá điện thấp quá trong khi chi phí lại cao… nên không khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Nhìn phát triển năng lượng tái tạo gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một số chuyên gia khác cho rằng, cần phải đổi mới cơ chế khuyến khích hỗ trợ DNNVV và hộ kinh doanh trong ngành công nghiệp chế tạo sử dụng năng lượng tái tạo. Thời gian tới cần tập trung vào chính sách giá theo giá thị trường, không thể lẫn lộn chính sách kinh tế và xã hội, thị trường và xã hội.
Nhóm nghiên cứu của CIEM khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng nói chung cũng như đối với sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo nói riêng. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm hướng tới thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án khai thác nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả…
Để phát triển kinh tế xanh, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những cách tiếp cận riêng để khuyến khích DNNVV trong ngành công nghiệp chế tạo sử dụng năng lượng tái tạo. Ở Đan Mạch, nước này có thuế năng lượng đối với DN sử dụng nhiều năng lượng. Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp đầu tư vào các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả. Đầu tư sản xuất điện và nhiệt điện phát thải CO2 thấp hơn; kiểm toán năng lượng, hỗ trợ các công cụ giúp DN thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất. Còn tại Indonesia, năm 1997, đã ban hành Luật Quản lý về môi trường, cùng với đó khuyến khích, hỗ trợ DNNVV tham gia vào việc hoàn thành mục tiêu quốc gia hướng tới nền kinh tế xanh với các giải pháp cụ thể là thúc đẩy ngành công nghiệp xanh, giải thưởng công nghiệp xanh, chiến dịch tuyên truyền sử dụng sản phẩm xanh...