Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa “xuất ngoại”
Tại Hội thảo Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31/10, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn vướng mắc trong hoạt động thương mại quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp rất cần giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động này.
Yếu kém trong thương mại quốc tế
Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng đánh giá, sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào chuỗi cung ứng toàn cầu và việc đóng góp của các DNNVV trong xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số DN nhưng các DNNVV mới chỉ đóng góp trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hơn nữa, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu châu Á, tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 46%... Đây là điểm yếu của các DNNVV Việt Nam.
Còn Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Nirukt Sapru đánh giá, hiện nay khối doanh nghiệp này đang gặp nhiều thách thức trong việc hạn chế tiếp cận vốn và tài trợ thương mại, thiếu dữ liệu, thiếu kênh bán hàng và thiếu kinh nghiệm giao dịch quốc tế.
Theo các chuyên gia, thực tế các DNNVV rất khó khăn trong vấn đề này vì một mặt chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mặt khác còn khó khăn trong việc sở hữu đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên môn để thực hiện giao dịch quốc tế, tuân thủ những quy tắc thương mại quốc tế.
Đây là vấn đề quan trọng không chỉ trong xuất khẩu mà cả nhập khẩu và trong các giao dịch mua bán để tránh những rủi ro về tài chính, vượt qua những rào cản về thuế quan và phi thuế quan trong thương mại quốc tế ngày nay. Chính vì thế, việc cung cấp kiến thức cũng như biện pháp hiệu quả hỗ trợ DNNVV đóng góp nhiều hơn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế là điều cần thiết.
Cần tổ chức trung gian hỗ trợ
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chương trình hỗ trợ và quỹ phát triển nhằm hỗ trợ các DNNVV. Đặc biệt là Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã quy định 7 chính sách hỗ trợ chung và 3 chương trình hỗ trợ mục tiêu.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Chính phủ quyết liệt cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, đổi mới công tác quản lý chuyên ngành với hàng hóa, đổi mới dịch vụ xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Qua đó, có thể thấy Nhà nước đang thể hiện vai trò trong việc phát triển DNNVV, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia đánh giá, ngoài vai trò kiến tạo, thúc đẩy thì Nhà nước còn mang trên mình vai trò mới trong việc làm trọng tài và bảo hộ quyền sở hữu tài sản cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hỗ trợ từ Chính phủ vẫn mang tầm vĩ mô, doanh nghiệp cần các giải pháp cụ thể, thiết thực, sát với thực tế. Đặc biệt, khi thực hiện thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần đến những giải pháp thanh toán toàn diện, dịch vụ ngoại hối hiệu quả, an toàn.
Điều này cần đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp liên quan như ngân hàng, logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu… Vì thế, các doanh nghiệp cần một tổ chức trung gian để cùng liên kết, chung tay hỗ trợ DNNVV trong thương mại quốc tế hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương Võ Trí Thành khẳng định, không có sở hữu tư nhân, không có DNNVV thì không có thị trường và môi trường cạnh tranh. Thị trường, thị hiếu, thu nhập, tăng trưởng, tỷ giá là những điểm tiêu chuẩn cơ bản mà các ban, ngành có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Vai trò của Nhà nước trong việc lập ra các tổ chức tín nhiệm là rất quan trọng, tuy nhiên hỗ trợ từ Nhà nước thực sự không triệt để được vì số lượng doanh nghiệp quá nhiều. Bên cạnh đó, gánh nặng đặt lên vai các ngân hàng nhà nước thực tế rất lớn, do vậy ông Thành cho rằng không nên quá kỳ vọng vào sự hỗ trợ của ngân hàng mà các doanh nghiệp cần chủ động và dấn thân nhiều hơn.
Với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thì điều kiện đầu tiên là nguyên tắc xuất xứ. Nguyên tắc xuất xứ đơn giản, ít tiêu chí thì chỉ có thể xuất khẩu sang các thị trường nhỏ, và không thể lâu dài, bền vững được. Điều này nằm ở cách nhìn và cách tiếp cận của doanh nghiệp. Phải hài hòa hóa tiêu chuẩn, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể thương mại hoá lâu dài.
Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, việc hợp tác với các ngân hàng quốc tế sẽ góp phần hỗ trợ cho các DNNVV tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong thương mại quốc tế bằng việc cung cấp cho khối doanh nghiệp này những sự hỗ trợ cần thiết để phát triển hiệu quả và bền vững.
Giám đốc Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Standard Chartered Lư Quốc Thiện đã chia sẻ các giải pháp mà Ngân hàng Standard Chartered dành cho doanh nghiệp bao gồm các hạng mục trong hoạt động kinh doanh của DNNVV, từ quản lý nguồn vốn, tín dụng, bảo vệ và mở rộng hoạt động kinh doanh, cải thiện lợi nhuận, đến hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Những giải pháp này được thiết kế đặc biệt để giúp các DNNVV nhập khẩu và xuất khẩu thực hiện giao dịch ngân hàng một cách thuận tiện hơn, nhờ đó có thể tập trung hơn vào việc phát triển hoạt động kinh doanh, tiết kiệm thời gian và công sức, nâng cao tính chính xác cho giao dịch.