Nâng mức độ an toàn cho hợp tác xã trong thời kỳ công nghệ số


Công nghệ phát triển mang lại nhiều cơ hội cho nông dân, HTX nhưng cũng là thách thức đối với họ khi phải đối mặt với tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của HTX cũng như gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính.

Thiếu nhân lực an toàn thông tin khiến các hợp tác xã (HTX) gặp khó trong chuyển đổi số, ứng dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo.
Thiếu nhân lực an toàn thông tin khiến các hợp tác xã (HTX) gặp khó trong chuyển đổi số, ứng dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO, cho biết không ít nông dân, thành viên HTX hiện nay bị lừa đảo mua phải vật tư hàng hóa kém chất lượng, là hàng giả, hàng nhái. Chính vì vậy mà đã có tình trạng lúa gieo nhưng không trổ bông, trồng chanh leo nhưng chanh leo chết dần...

Nông dân, HTX bị lừa đảo

Đặc biệt, nhiều HTX thường gặp trường hợp hàng ngày nhận được cuộc gọi nói là khách hàng muốn mua sỉ sản phẩm của HTX nhưng lại chỉ mua thử trước một ít với giá bán sỉ, rồi biệt tăm. Với hình thức này, có HTX đã vừa mất sản phẩm, vừa mất tiền hỗ trợ ship (miễn phí ship), lại không tạo ra môi trường kinh doanh công bằng khi tạo thiệt thòi cho khách mua lẻ vì họ phải mua với giá bán lẻ.

Ông Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX Giọt Phù Sa (Cần Thơ) kể, ông từng nhận được các cuộc gọi mời tham gia sàn thương mại điện tử với hình thức chuyển khoản trước để nhận hoa hồng. Nếu không cảnh giác, chắc ông đã sập bẫy.

Có thể thấy hiện nay, các dịch vụ giao dịch trực tuyến, thanh toán online… ngày càng phổ biến. Đây cũng là môi trường thuận lợi để một số đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng thực hiện hơn. Đối với doanh nghiệp, người dân ở thành phố, có thể mức độ bị lừa đảo sẽ hạn chế hơn.

Còn đối với các HTX, người dân ở nông thôn và miền núi, tình trạng bị lừa đảo online ngày càng phức tạp. Nhiều nông dân, HTX đã bị lừa đảo tham gia các chương trình trả trước, mất tiền trong tài khoản do bấm nhầm đường link. Chính vì vậy, theo ông Phạm Ngọc Đá, chỉ khi nào thực trạng lừa đảo online giảm bớt, quản lý chặt chẽ thì nông dân, HTX mới tự tin ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Quang Hà, Phó giám đốc công ty an ninh mạng Viettel, cho biết trong thời đại công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ như hiện nay, đã có những cuộc lừa đảo ở cấp độ cao, tinh vi diễn ra và người dân với mức độ am hiểu về công nghệ ở mức giới hạn rất dễ bị gánh hậu quả. Cụ thể là có những đối tượng đã sử dụng AI để giả chân dung, tiếng nói của người thân, lãnh đạo HTX, doanh nghiệp để lừa đảo thành công.

Trong khi đó, xu hướng làm việc hiện nay là di động nên xác suất lừa đảo càng cao. Nhiều nông dân, HTX dù đã ứng dụng công nghệ, sử dụng một số app nhưng vẫn bị phụ thuộc rất nhiều vào bên thứ ba là đơn vị cung ứng dịch vụ.

Và, cũng giống như doanh nghiệp, nhiều HTX đang đứng trước thách thức về nhân lực mảng an toàn thông tin. Theo thống kê của Bộ TT&TT, 63% tổ chức sản xuất kinh doanh nhận định thiếu nhân lực về an toàn thông tin, 60% tổ chức nói khó giữ chân nhân lực an toàn thông tin. Hàng năm, cả nước chỉ có 2.000 sinh viên tốt nghiệp ngành an toàn thông tin nhưng nhu cầu nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam lên đến 700.000 người.

Không nằm ngoài điều này, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), cho biết do sản xuất theo hướng công nghệ cao, bền vững nên nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của HTX rất lớn. Hiện, HTX có 7 kỹ sư nhưng vẫn chưa đủ, trong khi mời người có chuyên môn về làm việc rất khó, nhất là nhân lực về marketing, kinh doanh, bảo mật thông tin… do nguồn lực tài chính còn thấp, chưa đủ hấp dẫn.

Thích ứng với nguy cơ mới

Theo các chuyên gia, con người muốn thích ứng với dịch bệnh mới cần phải có vắc xin để phòng ngừa. Doanh nghiệp, HTX cũng vậy, muốn thích ứng với thời đại điện toán đám mây và AI thì buộc phải có “vắc xin” để phòng ngừa.

Vắc xin ở đây là HTX tự giải quyết bằng cách đầu tư công nghệ, nhân lực để tăng khả năng thích ứng của mình trong thời đại số. Nếu không thể, HTX có thể tìm các đối tác hỗ trợ nhưng cần đảm bảo các đối tác này phải đồng hành cùng với "vòng đời" của HTX, từ đó mới có thể nâng mức độ an toàn thông tin mạng cho HTX và giúp HTX vượt qua những khung khổ cơ bản của hợp đồng, từ đó hỗ trợ các HTX nâng cao an toàn thông tin mạng một cách tuyệt đối.

Tuy nhiên, khảo sát của Bộ TT&TT cho thấy có đến 3,4 triệu người dùng sử dụng mật khẩu đơn giản với các con số 123456 và có đến 80% vụ việc đánh cắp dữ liệu vì mật khẩu yếu. Việc sử dụng mật khẩu yếu bởi người dùng không lường trước được sự nghiêm trọng khi bị đánh cắp dữ liệu hoặc thiếu các kiến thức, kỹ năng công nghệ.

Ông Vũ Duy Nghĩa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô (Đăk Nông), cho biết hiện nay chỉ riêng tài khoản ngân hàng mỗi người cũng có vài cái, đi liền với đó là mật khẩu cho các mạng xã hội, các app… Nên tính sơ sơ, mỗi người cũng phải có ít nhất 5 mật khẩu cần nhớ, chưa kể trong thời đại hiện nay, chính sách một cửa phát triển, nhiều giấy tờ cá nhân cũng được số hóa dẫn tới nhiều thành viên, người dân trong HTX thường bị quên, nhầm mật khẩu vì lâu ngày không sử dụng.

Trước thực trạng này, ông Philip Hùng Cao - Phó tổng giám đốc, phụ trách chiến lược, phát triển thị trường, kinh doanh và marketing của Vin CSS, lưu ý trong thời đại hiện nay, người dân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xác thực mạnh không cần mật khẩu. Và thực tế không đâu xa, ngay trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Philippines, Singapore, Thái Lan… đã áp dụng điều này một cách hiệu quả nên ít xảy ra tình trạng lừa đảo, lại thuận lợi cho người dân trong ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên ở Việt Nam, việc xác thực mật khẩu của người dân, lực lượng lao động còn quá truyền thống, trong khi lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và chuyên nghiệp. Đi liền với đó, nhiều thông tin đăng nhập hiện có thể mua dễ dàng với giá rất rẻ và được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Thống kê của Bộ TT&TT trong 6 tháng đầu năm 2023, cũng cho thấy lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Chính vì vậy, theo ông Philip Hùng Cao, nếu nông dân, người lao động có thể dùng xác thực không mật khẩu sẽ hạn chế lừa đảo, từ đó giúp HTX, doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào những vấn đề cần thiết.

Đặc biệt, xác thực không dùng mật khẩu giúp người nông dân, thành viên HTX không phải nhớ các loại mật khẩu. Bởi hiện nay, một người thậm chí phải có hẳn một quyển số ghi chép các loại mật khẩu của các ứng dụng từ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội... gây khó khăn trong sử dụng và không an toàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các văn bản pháp luật cụ thể về xác thực không dùng mật khẩu, bởi hiện hầu như các văn bản pháp lý chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này nên chưa tạo bệ phóng chuyển đổi số cho Việt Nam nói chung và cho doanh nghiệp, HTX, người dân nói riêng.

Đặc biệt, hiện đã có 71% quốc gia trên thế giới có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, 80% nước có luật về an toàn thông tin mạng. Còn ở Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật với mức độ khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng vào thực tiễn. Trong khi người dân, HTX thường chỉ có chuyên môn trong lĩnh vực của mình mà thiếu năng lực trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, công nghệ số nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.

Theo Huyền Trang/vnbusiness.vn