Xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Hà Anh

Theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

Phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước.
Phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn... 

Bên cạnh mục tiêu tiêu trên, Nghị quyết nêu rõ phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Xây dựng ít nhất 300 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40 - 45% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp...

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 5 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương. Ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực.

Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp.

Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Cùng với đó, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp. Lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX nông nghiệp vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình; bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Một giải pháp khác là đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý HTX nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, kinh tế xanh.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn tài chính hợp pháp khác hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp...