Nâng mức xử phạt, tăng sức răn đe
(Tài chính) “Điều kiện để công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố hiệu quả là phải tuân thủ chính sách. Nhưng sự tuân thủ đó cần phải được hỗ trợ bởi văn hóa tuân thủ của ngân hàng” – Ông Aub Chapman, Chuyên gia xây dựng quy trình, chính sách trong lĩnh vực kiểm soát tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố cho các ngân hàng nhấn mạnh.
Theo ông Aub Chapman, để không bị phạt; Bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền, tài trợ cho khủng bố; Bị giảm uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, các ngân hàng phải triển khai ngay các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Ngoài việc tuân thủ khuôn khổ pháp lý của nước sở tại đang hoạt động, các ngân hàng cần dựa trên năng lực quản lý rủi ro thực tế của mình để có biện pháp phòng, chống rửa tiền phù hợp đối với mỗi hình thức: Rủi ro pháp lý (nguy cơ vi phạm rủi ro pháp lý) và rủi ro kinh doanh (nguy cơ tạo điều kiện cho hoạt động rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố).
Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cán bộ, nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng song song với việc thực hiện quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng. “Nhận diện khách hàng là yếu tố rất quan trọng, nó sẽ là nền tảng để phát hiện các giao dịch, hành vi đáng ngờ và là nền tảng để cơ quan chức năng xem xét các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố”, nhấn mạnh điều này đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng: Thời gian tới, trong quá trình phát triển dịch vụ chuyển tiền điện tử quốc tế, các ngân hàng cần thiết phải xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại, có phần mềm lọc, phân tích giao dịch nhằm ngăn ngừa các rủi ro, góp phần tăng cường phòng, chống các hành vi rửa tiền xuyên quốc gia. Phần mềm sàng lọc sẽ phân tích giao dịch, tài khoản cho phép ngân hàng có được danh sách cảnh báo, phát hiện sớm các giao dịch đáng ngờ. Đặc biệt là nó sẽ giúp ngân hàng dễ dàng phát hiện khách hàng và các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng nằm trong danh sách “đen” của Liên Hợp Quốc hoặc danh sách cấm vận của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trước khi thực hiện thanh toán quốc tế.
Bốn yêu cầu chung trong quản trị rủi ro cho ngành Tài chính: Lọc danh sách khách hàng theo dõi; Lọc tất cả các giao dịch đến và đi; Nhận biết khách hàng; Giám sát giao dịch.
Giao dịch từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Nhấn mạnh “cuộc chiến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố sẽ khó khăn và lâu dài”, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức về hoạt động rửa tiền cũng như đánh giá về độ lớn của nó trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu gần đây cho thấy, dù ít hay nhiều thì hoạt động rửa tiền đã tồn tại ở Việt Nam và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội. Hiện NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020. Khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam theo đó cũng sẽ tiếp tục được kiện toàn và tiệm cận hơn nữa với các chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, ngoài việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính khả thi trong công cuộc phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm thêm các chuẩn mực quốc tế để từng bước hoàn thiện và tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế về khuôn khổ pháp lý.
Cụ thể như, sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền, tài trợ khủng bố sao cho phù hợp với quy định tại Công ước Vienna năm 1988, Công ước Palermo năm 2000 và Công ước Chống tài trợ khủng bố năm 1999 của Liên hiệp quốc. Bên cạnh đó, nghiên cứu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); Nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền áp dụng chung cho tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền ở mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, tương thích với rủi ro.
Quy định pháp luật hiện hành nêu rõ, các ngân hàng phải báo cáo hàng ngày về giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử. Giao dịch có giá trị lớn là 300 triệu đồng đối với nộp, rút tiền mặt thông thường và 500 triệu đồng đối với gửi, rút tiền tiết kiệm bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đối với báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (gồm cả chuyển tiền quốc tế và trong nước) mà các ngân hàng đã và đang báo cáo không giới hạn giá trị. Như vậy, cơ quan chức năng sẽ khó nhận diện được các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các giao dịch này.
Để khắc phục tình trạng trên, NHNN hiện cũng đang xem xét quy định ngưỡng giá trị phải báo cáo đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử. Theo đó, đối với chuyển tiền điện tử quốc tế, dự kiến từ 1.000 USD trở lên sẽ phải báo cáo. Còn với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, dự kiến từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2014