Năng suất nhân tố tổng hợp và đóng góp của nó vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp Việt Nam
Bài viết phân tích, làm rõ năng suất nhân tố tổng hợp ngành Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2015 trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, từ đó đề xuất giải pháp nhằm gia tăng mức đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng năng suất lao động ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Giới thiệu vấn đề nghiên cứu
Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) phản ánh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhấn mạnh đến mặt chất của các yếu tố đầu vào. Theo đó, một lượng đầu ra lớn hơn có thể đạt được không chỉ từ việc gia tăng quy mô của các yếu tố đầu vào mà còn do sự kết hợp các yếu tố đầu vào theo một cách thức nhất định.
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ sự phân bổ lại lao động, đất đai và các nguồn lực khác giữa các phân ngành Nông nghiệp. NSLĐ ngành Nông nghiệp gia tăng thông qua dịch chuyển nguồn lực từ các phân ngành có năng suất thấp hơn sang các phân ngành có năng suất cao hơn.
Nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành và cộng sự (2018) ước lượng mức đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2006-2017.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cường độ vốn có tỷ trọng đóng góp giảm dần trong khi TFP tăng dần tầm ảnh hưởng của mình lên tốc độ tăng NSLĐ. Mức đóng góp hàng năm của TFP tăng từ mức 39,52% của giai đoạn 2006-2012 lên mức 58,01% giai đoạn 2012-2016, cho thấy vai trò then chốt của TFP trong thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam.
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ sự phân bổ lại lao động, đất đai và các nguồn lực khác giữa các phân ngành Nông nghiệp. NSLĐ ngành Nông nghiệp gia tăng thông qua dịch chuyển nguồn lực từ các phân ngành có năng suất thấp hơn sang các phân ngành có năng suất cao hơn.
Trên cơ sở phân tích trên, việc thúc đẩy NSLĐ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một đòi hỏi cấp thiết đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, chênh lệch ngày càng rộng giữa GO (tăng trưởng giá trị sản xuất) và GDP cho thấy, ngành Nông nghiệp đang trở thành ngành gia công do những yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất đều phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các DN chỉ ở mức 1,74% năm 2018. Như vậy, gia tăng mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng NSLĐ ngành Nông nghiệp là một thách thức to lớn. Bài viết này, phân tích, làm rõ TFP ngành Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2015 trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm gia tăng mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng NSLĐ ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Phân tích TFP ngành Nông nghiệp Việt Nam và một số quốc gia ASEAN
Trong giai đoạn 2010-2015, TFP ngành Nông nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng đều qua các năm (ngoại trừ một sự giảm nhẹ từ 2.299 năm 2012, xuống mức 2.159 năm 2013). Sự thay đổi về môi trường sản xuất không tác động đến sự gia tăng TFP, chỉ số môi trường (EI) có giá trị bằng 1 trong suốt giai đoạn nghiên cứu. Sự thay đổi về kỹ thuật sản xuất đã gia tăng TFP trên 30% trong giai đoạn 2010-2015. Cụ thể, năm 2010, Chỉ số kỹ thuật (TI) đã làm gia tăng TFP thêm 31,5% và đến năm 2015, con số này là 35,2%. Tác động của TI đến TFP của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu tăng liên tục và ở mức ngang bằng so với khu vực châu Á, cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác (Bảng 1).
Một điểm đáng khích lệ là nông nghiệp Việt Nam duy trì TFP cải thiện liên tục nhờ hiệu quả kết hợp, trong khi một số quốc gia khác cho thấy sự biến động qua các năm.
Về tác động của hiệu quả kỹ thuật, có thể thấy tầm quan trọng của hiệu quả kỹ thuật với gia tăng TFP ngày càng giảm. Năm 2010, sự giảm sút của Hiệu quả kỹ thuật định hướng đầu ra (OTEI) làm TFP giảm 5,7% thì đến năm 2015, con số này còn 4,8%.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao so với trung bình của khu vực châu Á. Tại khu vực châu Á, sự giảm sút của OTEI làm TFP giảm không quá 2%, thậm chí đến năm 2015 chỉ còn 0,9%. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn 2010-2015, tác động của OTEI đến TFP của khu vực châu Á là tương đối nhỏ và có xu hướng sụt giảm.
Qua phân tích sự gia tăng của TFP ngành Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2015 dựa trên số liệu của tổ chức Năng suất châu Á (APO) có thể thấy, yếu tố về môi trường sản xuất không tạo ra sự gia tăng TFP. Yếu tố cơ giới hoá trong sản xuất Nông nghiệp làm gia tăng TFP, tuy nhiên, để tạo ra sự đột phá trong kỹ thuật sản xuất Nông nghiệp là điều không dễ dàng trong điều kiện của Việt Nam. Hiệu quả kết hợp các yếu tố đầu vào là nhân tố gia tăng TFP trong toàn giai đoạn.
Việt Nam có thể gia tăng TFP nhờ gia tăng hiệu quả kết hợp các yếu tố đầu vào như Thái Lan hoặc Indonesia. Mặc dù, Nông nghiệp Việt Nam thường được so sánh với nông nghiệp Thái Lan, song thực tế khoảng cách về hiệu quả kết hợp các yếu tố đầu vào của Việt Nam còn cách khá xa Thái Lan.
Do vậy, nông nghiệp Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm của nông nghiệp Thái Lan trong dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành, gia tăng các tổ hợp mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Việc hình thành các trang trại sản xuất với quy mô lớn như Indonesia chỉ khả thi ở khu vực phía Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ. Để đạt được hiệu quả kỹ thuật vượt đường giới hạn sản xuất như Malaysia đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn. Nông nghiệp Việt Nam phải hình thành các vùng chuyên canh và có chính sách về đất đai, đầu tư vốn phù hợp để gia tăng TFP của những khu vực sản xuất đặc thù đó.
Hàm ý chính sách nhằm gia tăng TFP ngành Nông nghiệp Việt Nam
Để gia tăng mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng NSLĐ ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, gia tăng hiệu quả kết hợp các yếu tố đầu vào thông qua khơi thông dòng chảy vốn, lao động, đất đai, công nghệ trong nội bộ ngành, thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ nội bộ ngành.
Nghiên cứu của Ngô Thắng Lợi & Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2017) chỉ ra rằng, tăng NSLĐ nội bộ ngành Nông nghiệp có tác động dương và thuận chiều đến mức tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng nội ngành còn thấp.
Năm 2015, sự thay đổi NSLĐ của nhóm ngành Nông nghiệp tăng NSLĐ toàn nền kinh tế lên 0,64 triệu đồng. Phần lớn lao động ở khu vực nông thôn khi dịch chuyển khỏi ngành Nông nghiệp tiếp tục làm việc ở khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ có năng suất thấp, dẫn đến làm sụt giảm tăng trưởng NSLĐ của toàn nền kinh tế. Do vậy, nâng cao tăng trưởng NSLĐ nội bộ ngành Nông nghiệp là vấn đề then chốt để gia tăng TFP ngành Nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Đồng thời, cần có bản đồ quy hoạch phát triển nông nghiệp tổng thể cho Việt Nam, trong đó, chiến lược phát triển nông nghiệp được cụ thể hoá đến từng hộ gia đình, từng ngành hàng, từng loại sản phẩm. Để gia tăng hiệu quả kết hợp các yếu tố đầu vào, các chính sách ưu đãi tín dụng, đất đai, hoặc công nghệ phải được xây dựng trên nguyên tắc nguồn (dành cho chủ thể nào) – đích (đạt được mục tiêu cụ thể là gì).
Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt chiến lược của các DN nông nghiệp lớn, chú trọng đến chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín và nâng cao năng lực bảo quản, chế biến của các DN ngành Nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam cần bứt phá về hiệu quả kỹ thuật cũng như hiệu quả đầu tư để trở thành ngành công nghiệp nông nghiệp, mỗi người nông dân phải trở thành một doanh nhân kinh doanh nông nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của các DN NN lớn.
Số liệu tại Bảng 3 cho thấy, tổng số DN có kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành Nông-Lâm-Thuỷ sản chỉ chiếm 1,12% tổng số DN trong cả nước; quy mô vốn kinh doanh ngành Nông-Lâm-Thủy sản đạt 378.210 tỷ đồng, chiếm 1,030% tổng quy mô vốn kinh doanh; doanh thu thuần chiếm 0,568% và lợi nhuận trước thuế chiếm 0,406%. Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. Năm 2018, vòng quay toàn bộ vốn đạt 0,355, trong khi trung bình toàn nền kinh tế là 0,643. Mức tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 2,71% so với mức trung bình là 3,79%.
Như vậy, nền sản xuất – kinh doanh nông nghiệp hiện đại với quy mô lớn và giá trị gia tăng cao phải có sự tham giá của các DN nông nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn nông nghiệp tư nhân có tiềm lực về vốn, công nghệ, và năng lực quản trị. Trong vòng 5 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam bắt đầu lấy lại vị thế nhờ hoạt động của các tập đoàn lớn như PAN, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DABACO), Lộc Trời, Công ty Cổ phần GTN Foods (GTNs) và sự tham gia của những tập đoàn công nghiệp chế tạo vào lĩnh vực nông nghiệp như Trường Hải Group, Hoà Phát Group, Masan Group.
Thứ ba, gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ngành Nông nghiệp thông qua các chương trình sàng lọc lao động ở khu vực nông thôn, phát huy vai trò tích cực của Đoàn Thanh niên trong định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn, chú trọng xây dựng đội ngũ lao động kế thừa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bảng 2 cho thấy, sự dịch chuyển này làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế bởi lao động không qua đào tạo ở khu vực nông nghiệp không thể chuyển lên những khu vực có mức NSLĐ cao hơn. Năm 2018, số lao động đã qua đào tạo ở các DN ngành Nông-lâm- Thuỷ sản là 258.002 người, chiếm 1,74% tổng số lao động đã qua đào tạo. Do vậy, sớm sàng lọc và đào tạo người lao động ở ngành Nông nghiệp không chỉ gia tăng NSLĐ ở nội bộ ngành, là nhân tố then chốt tăng TFP ngành Nông nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Tóm lại, xét về phương diện đầu vào, có ba yếu tố cấu thành tăng trưởng NSLĐ là vốn, lao động, và TFP trong đó vốn và lao động được xem là yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng còn TFP là yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu. Phần dư này phản ánh chất lượng của những yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng. Tốc độ tăng TFP và mức độ đóng góp của TFP vào tăng trưởng phản ánh đầy đủ và toàn diện nhất hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ năng lực quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê quốc gia 2019;
2. Nguyễn Đức Thành & Ohno Kenichi (2018), Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 – Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;
3. Ngô Thắng Lợi & Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2017), Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam – Thực trạng và định hướng đến năm 2030. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật;
4, C.J. O’Donnell and A. Peyrache (2019), Agricultural Productivity in Asia – Measures and Perspective 2019. Asian Productivity Organization.
(*) PGS., TS. Đoàn Hương Quỳnh, TS. Trần Thanh Thu - Học viện Tài chính.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.