Nên đặt giá trần với nhà ở xã hội?
(Tài chính) Trước phản ánh của dư luận về giá nhà ở xã hội vẫn cao dù chủ đầu tư được hưởng vô số những ưu đãi của Nhà nước, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc khống chế mức trần giá nhà xã hội là không thể.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà nói, thông thường giá nhà nói chung phụ thuộc vào vị trí. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào quy mô công trình, nhà cao hoặc những nơi xử lý nền móng phức tạp...
Phóng viên: Nhưng đó là đối với các dự án thương mại, còn với nhà ở xã hội, khi mà nhà nước cho chủ đầu tư hưởng ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, lãi vay… thì cũng cần phải không chế mức giá bán ra?
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản
Tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà mà có giá thành xây dựng khác nhau. Còn khống chế nhà ở xã hội chỉ được phép bán 8 - 10 triệu đồng mỗi m2 thì không phù hợp. Chúng ta không thể áp một mức giá cố định, mà chỉ nên khống chế trên cơ sở đưa ra mức lãi định mức của doanh nghiệp mà thôi.
Một đại diện của Vinaconex mới đây cho rằng, giá nhà xã hội cao là do phải mất chi phí khá lớn cho khâu lập thiết kế, thẩm định, trong khi Bộ Xây dựng lại có sẵn mẫu. Tại sao không cung cấp cho các doanh nghiệp để giảm giá nhà?
Thực ra mô hình nhà ở xã hội đã có, còn tiêu chuẩn thiết kế quy định nhà ở xã hội có diện tích từ 30 - 70 m2 mỗi căn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã mở rộng ra nhà xã hội có cả thấp tầng, khu đô thị nhỏ hoặc những vùng xa chứ không khống chế cụ thể xây 5, 7 hay 15 tầng.
Nhà xã hội quy mô thế nào còn phụ thuộc quy hoạch của từng vùng đất, do vậy Nhà nước chỉ quy định mức diện tích tối thiểu và tối đa của căn hộ, chứ không thể khống chế bao nhiêu phòng hay bao nhiêu tầng.
Người dân hiện tỏ ra khá bức xúc khi giá nhà ở xã hội công bố ban đầu đã khá cao, song một số chủ đầu tư lại còn khẳng định “đó mới chỉ là tạm tính”. Cơ quan quản lý có giám sát thực tế này?
Các suất đầu tư để được vay vốn phải có dự toán và quyết toán, thông qua sổ sách, việc đầu tư kinh doanh không như ra ngoài chợ mua một mớ rau. Khi chủ đầu tư bắt đầu bán căn hộ, dự án mới chỉ xây xong móng.
Có công trình, để xây xong phải mất hai năm. Khi bắt đầu bán thì có cả yếu tố trượt giá. Do vậy, giá khi bán mới chỉ là tạm tính. Khi quyết toán xong mới là giá hiện thực.
Vậy sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ có động thái gì để người dân có thể tiếp cận nhà ở xã hội một cách đúng nghĩa nhưng cũng tránh được tâm lý ỷ lại?
Tôi phải khẳng định rằng, việc phát triển nhà ở xã hội phải đảm bảo một trong những nguyên tắc cơ bản là nhà nước, xã hội và người dân cùng tham gia. Do vậy, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ một phần các khoản như tiền sử dụng đất hoặc là hỗ trợ tín dụng, vay vốn ưu đãi cho những người mua nhà hoặc chủ đầu tư. Nhưng chủ yếu vẫn là người dân cần cố gắng tiết kiệm tạo thêm thu nhập, làm sao để trả lại được tiền vay cũng như tạo lập nhà ở cho mình.
Khung pháp lý phát triển nhà ở xã hội cơ bản đã được hoàn thành, đặc biệt là chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được phê duyệt. Ngoài ra còn có Nghị định 188 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội…
Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ phải khảo sát nhu cầu thực về nhà ở của các địa phương cho từng loại đối tượng để có kế hoạch triển khai cụ thể. Tùy từng loại đối tượng chúng ta sẽ có những mô hình thích hợp để phát triển nhà ở xã hội, phục vụ cho các đối tượng đó.