Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV:
Nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển 2030, 2045
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026. Thực hiện thành công kế hoạch 5 năm tới sẽ là nền tảng hết sức quan trọng thực hiện những mục tiêu cụ thể mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra cho giai đoạn dài tới 25 năm, chia thành 3 mốc thời gian từ năm 2021 đến các năm 2025, 2030 và 2045 trùng với các sự kiện lịch sử trọng đại như kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975-2025) hay 40 năm đổi mới (1986-2025), 100 năm ngày thành lập Đảng (1930-2030) và 100 năm ngày Việt Nam độc lập (1945-2045).
Chúng ta đã quen với việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương. Nhưng Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới là lần đầu tiên đưa ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn dài tới 25 năm như vậy.
Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) soạn thảo cuốn "Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ". Thông điệp chính của cuốn sách này là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Hiện nay, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn chính sách, giúp Việt Nam xây dựng Báo cáo 2045 nhằm đạt được các chiến lược, kế hoạch đề ra, hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Các báo cáo này sẽ cung cấp thêm cho chúng ta cơ sở lý luận và thực tiễn để hoạch định con đường đi tới tương lai.
Nhìn vào quỹ đạo rượt đuổi trong cuốn Việt Nam 2035 cho thấy, để tránh tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người với nước ta vẫn là câu chuyện gian nan. Đơn giản là vì khi chúng ta đi thì các quốc gia trong khu vực cũng đi và chỉ khi nào chúng ta chạy mà họ vẫn đi thì mới có thể đuổi kịp họ.
Các mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đề ra mang tính tổng quát cao như: đến năm 2030, Việt Nam là một xã hội thịnh vượng, văn minh, hiện đại, môi trường bền vững, có thu nhập thuộc nhóm trên của các nước thu nhập trung bình cao của thế giới; nền kinh tế thị trường do khu vực tư nhân dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển nhanh, bền vững dựa trên làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Từ kinh nghiệm thực tế những năm vừa qua, bên cạnh những mục tiêu tổng quát, những chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường như thường lệ, tôi mong ước được thấy những chương trình, dự án cụ thể để nhìn vào đó mà phấn đấu. Vì đằng sau mỗi chương trình, dự án cụ thể đó là thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Hơn nữa, rõ ràng là các mục tiêu định lượng sẽ dễ cho Quốc hội và cử tri giám sát, đánh giá, nhất là liên quan đến chi tiêu ngân sách cho đầu tư phát triển, chỉ số đầu vào của các chương trình, dự án phải được gắn với kết quả đầu ra và định lượng được tác động trực tiếp và lan tỏa của các chương trình, dự án đó.
Tập đoàn tư vấn đầu tư Capital Group mới đây đã đưa ra 10 dự báo vào năm 2030[1] để định hướng cho các nhà đầu tư của mình. Đó là: những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; sẽ chữa trị được bệnh ung thư; tiền mặt sẽ chỉ còn là quá khứ; bán dẫn sẽ ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ; thiết bị công nghệ cá nhân sẽ chiếm ưu thế; giải trí kỹ thuật số là trung tâm; xe ô tô tự hành sẽ lưu thông trên đường; công nghệ xanh, thân thiện với môi trường là chủ đạo; năng lượng tái tạo sẽ cung cấp năng lượng cho thế giới; các công ty sáng tạo sẽ làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Thế giới quanh ta đang thay đổi nhanh như thế đó, thật khó mà có thể tưởng tượng được.
5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa vô cùng quan trọng để chúng ta vươn lên, đạt tới các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết là đến năm 2030. Với tư cách là một cựu đại biểu Quốc hội, tôi trân trọng gửi đến Quốc hội Khóa XV 10 điều mong đợi để ngay từ nhiệm kỳ này, với vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong hệ thống chính trị, Quốc hội sẽ thúc đẩy để từ nay đến năm 2030 sẽ thay đổi cơ bản bộ mặt quốc gia.
10 điều mong đợi đó là: (1) Hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh tế, khoa học công nghệ và dân sự liên quan đến kinh tế số để huy động được tối đa nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; (2) Chính phủ số, đô thị thông minh trở thành hiện thực; (3) Không còn cảnh 2 người bệnh nằm chung 1 giường khi hệ thống y tế cơ sở tốt hơn và tuyến trung ương được đầu tư nhiều hơn, 100% người dân có bảo hiểm y tế; (4) Bảo đảm giáo dục cơ bản chất lượng cao cho mọi đối tượng, tăng dần thời lượng môn tiếng Anh ở các cấp học để hòa nhập với tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; (5) 100% nước thải, rác thải sinh hoạt và công nghiệp được xử lý; (6) Bảo vệ tuyệt đối rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, bảo đảm an ninh nguồn nước; (7) Đến năm 2025 có 3.000km và năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc như Thủ tướng Chính phủ đã kết luận để tăng chất lượng vận tải hàng hóa và hành khách, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm một nửa số người chết vì tai nạn giao thông; (8) Khởi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; (9) Hoàn thành Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và Dự án mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài với 2 tuyến tàu cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội tới 2 sân bay; (10) Hoàn thành 3-4 tuyến metro ở mỗi thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, xây dựng 1-2 tuyến metro ở các thành phố lớn khác như: Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Cần Thơ.
Tôi cho rằng, đây là những chương trình, dự án then chốt có tác động lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân từ nông thôn đến thành thị. Nhìn vào đây, người dân sẽ hiểu được đất nước đang đi tới đâu và mình sẽ được hưởng những gì.
Tương lai tươi đẹp ở xa hay gần là do chúng ta quyết định. Chính việc Quốc hội Khóa XV khi xem xét, thảo luận, thông qua các nghị quyết về chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và NSNN, đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa tại những phiên họp đầu tiên sẽ đặt nền móng, cụ thể hóa con đường hướng tới tương lai đó.
_______________________
[1] https://www.capitalgroup.com/advisor/insights/world-in-2030.html
(*) TS. Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
(**) Bài viết đăng trên Báo Đại biểu nhân dân. Nguồn: https://daibieunhandan.vn/nen-tang-quan-trong-hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-2030-2045-vl0a5ug41d-59986