Nền tảng số trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch

PV. (T/h)

Nền tảng số trong chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như chương trình chuyển đổi dịch vụ công quốc gia được xác định là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, trong và sau đại dịch COVID-19, vai trò của nền tảng số trong phục hồi và phát triển kinh tế lại càng rõ ràng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nền tảng số trong chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số

Việt Nam hiện đã và đang trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 2 năm đầy khó khăn vì COVID-19 vừa qua, công nghệ số và kinh tế số là điểm sáng, góp phần quan trọng giúp đời sống kinh tế - xã hội của đất nước vận hành liên tục, giảm nhẹ đáng kể những cú sốc do phong tỏa, cách ly chống dịch gây ra. Theo báo cáo của Tập đoàn Google, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 20/4/2022, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nền tảng số được coi là hạ tầng mềm trong không gian số, dễ dàng phổ biến trên diện rộng và giúp giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số cũng như tạo lập và lưu trữ dữ liệu của người dùng. Đặc điểm rất hay của nền tảng số là càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều. Khi dữ liệu càng nhiều thì chi phí càng rẻ và giá trị tạo ra càng lớn.

Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều các doanh nghiệp công nghệ đã và đang chuyển đổi phát triển các nền tảng số thay vì phát triển các phần mềm hay các sản phẩm hệ thống thông tin như trước đây. Xu hướng thị trường cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ hướng xây các hệ thống riêng của mình sang sử dụng các nền tảng số.

“Nền tảng số trong chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như chương trình chuyển đổi dịch vụ công quốc gia được xác định là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có thể thấy rằng, điểm đột phá ở đây chính là nắm bắt cơ hội để phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia, phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.

Trao đổi về các vấn đề pháp lý, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh, nền tảng số sẽ có một số vấn đề về pháp lý được đặt ra như sau:

Thứ nhất, là truy cập dữ liệu. Hiện nay, Việt Nam chưa có chuẩn về vấn đề thu thập dữ liệu, mặc dù đã có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy trình thu thập dữ liệu công bằng và thỏa đáng theo các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã dần được luật hóa nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh.

Thứ hai, việc thu thập dữ liệu phải có sự đồng thuận với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, từ sở hữu trí tuệ, các quy tắc về bảo vệ quyền con người và hàng loạt các vấn đề khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì không ít người dùng chỉ mong muốn là cài đặt thật nhanh chóng và chấp nhận luôn điều khoản sử dụng dịch vụ mà không cần đọc hết - đây là một vấn đề rất khó khăn.

Thứ ba, về phía nền tảng. Với sự phát triển kinh tế số với những kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ có những sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn, trong thời gian vừa qua, ngoài những nền tảng phát triển khá ổn định như các nền tảng giao dịch ví điện tử… thì vẫn còn có những nền tảng đến tay người tiêu dùng giá vẫn khá cao. Điều này đặt ra vấn đề liệu các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng liệu đã đúng chưa?

“Việc rà soát lại các vấn đề về pháp lý là rất quan trọng, rất cơ bản để có thể phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Cần rà soát lại các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng để họ có thể giảm bớt được các chi phí không cần thiết. Xem xét sự kết nối của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan thống kê... có sự kết nối phù hợp, để khai thác dữ liệu, xử lý các thủ tục hành chính đơn giản hơn mà không cần tăng thêm nhân công”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương khuyến nghị.

Vai trò của nền tảng số đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch

Chia sẻ về vai trò của nền tảng số đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cho thấy sự thúc đẩy toàn diện của nền kinh tế số, vai trò của các nền tảng được thể hiện rất rõ.

Sự xuất hiện của COVID-19 trên toàn thế giới đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, là động lực thúc đẩy cho chuyển đổi số: thương mại được cải thiện, thiết lập những tiêu chuẩn quốc tế để người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia, và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Nền tảng số trong thời gian dịch bệnh đã giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ, giúp kết nối, giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng và nguồn thu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - dễ bị tổn thương.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, đề cập đến chuyển đổi số là nói đến việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ trở nên thuận tiện hơn và dễ dàng hơn, với mức độ minh bạch, thông tin ngày càng cao thông qua các nền tảng số, khoảng cách địa lý ngày càng mờ nhạt. Bên cạnh đó là việc trải nghiệm niềm tin an toàn trong mua sắm, trong thương mại. Nền tảng số đã giúp người dân duy trì được cuộc sống, bảo đảm an toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch. Minh chứng thể hiện ở những con số như thương mại điện tử vẫn luôn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng là 2 con số. Cụ thể, năm 2020, duy trì được tốc độ tăng trưởng là 18%, năm 2021 là 16% và thương mại điện tử Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Những thành tựu đấy cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của thương mại điện tử.

Nền tảng số đã giúp kết nối cung cầu, giúp cho khâu phân phối và lưu thông hàng hóa trong cái bối cảnh rất đặc biệt của đại dịch được khả thi. Những hành vi của người tiêu dùng đã được định hình ở trong hai năm vừa qua sẽ hình thành nên những thói quen tiêu dùng mới và những mô hình kinh doanh mới trong tương lai, từ đó giúp mô hình nền tảng số phát triển hơn sau đại dịch.

“Kinh tế số cũng mang lại cho người tiêu dùng khả năng là tiếp cận thông tin, liên kết và tạo nên sức mạnh tập thể của người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến. Tức là họ có thể tạo nên sức mạnh liên kết như việc đánh giá về về sản phẩm của người tiêu dùng, để lại phản hồi thông qua việc chấm sao, bình luận, thậm chí có thể kêu gọi tẩy chay sản phẩm hay một người bán nào đó... Thực tế đó cho thấy nền tảng số ảnh hưởng rất sâu rộng đến tất cả các vấn đề trong đời sống xã hội, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.