Nếu Anh rời EU…
Nếu nguy cơ nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) trở thành hiện thực thì sự kiện này được đánh giá sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực tới toàn bộ EU, Anh và cả nền kinh tế thế giới.
EU trước nguy cơ tan rã
Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là việc nước Anh có khả năng rời khỏi mái nhà chung. Một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU sẽ diễn ra vào ngày ngày 23/6 sắp tới.
Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu. EU đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư tồi tệ nhất 70 năm qua. Bên cạnh đó là nền kinh tế yếu kém với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Lãnh đạo EU cũng lo lắng nếu Anh rời đi, các nước khác có thể sẽ nối gót. Việc này sẽ khiến EU dần tan rã, gây hậu quả lớn cho kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu. Nếu người dân Anh chọn kịch bản rời EU thì cả một khối thống nhất EU sẽ mất đi nhiều liên kết. Anh ra đi sẽ kéo theo những lo ngại sau Anh, liệu Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha có ra đi hay không?
Brexit sẽ tác động như thế nào đến EU và Anh?
Việc nước Anh rút khỏi EU sẽ gây hậu quả tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nhận định này được Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Washington Post" (Bưu điện Oasinhtơn) của Mỹ trước thềm cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại nước Anh. Người đứng đầu OECD khẳng định kịch bản trên nếu thành hiện thực sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả nước Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ.
Ngày 16/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết Liên minh châu Âu (EU) chắc chắc sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng Brexit, song cái giá phải trả sẽ rất đắt. Theo ông Tusk, bên cạnh tác động kinh tế, những hệ lụy về chính trị và địa chính trị tới nay vẫn chưa thể lường hết vào một thời điểm mà EU cần hơn hết sự đoàn kết.
Thủ tướng Anh David Cameron đang là người dẫn đầu phong trào “ở lại”. Ông nhận được nhiều sự ủng hộ từ Công đảng Anh (chính là đảng mà Cameron đang lãnh đạo), đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scotland. Ngoài ra hầu hết các chuyên gia kinh tế độc lập và các tập đoàn lớn cũng đứng về phía ở lại.
Về những tác động đối với nền kinh tế Anh, những người muốn Anh ở lại khẳng định một quốc đảo có diện tích “thường thường hạng trung” như Anh nên là một phần của khối gắn kết các quốc gia châu Âu hùng mạnh như EU. Họ cho rằng ra đi sẽ khiến nước Anh phải trả giá đắt về mặt kinh tế. Thương mại và đầu tư của Anh sẽ bị ảnh hưởng, châm ngòi cho suy thoái, thất nghiệp, đồng bảng mất giá và giá nhà lao dốc.
Bộ Tài chính nước Anh đã ước tính rằng với nếu Anh ra đi, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ thấp hơn khoảng 6% trong vòng hai năm tới so với việc đất nước ở lại với EU, trong khi lạm phát sẽ tăng mạnh và giá nhà giảm khoảng 18 điểm phần trăm. Đồng bảng Anh, vốn đã đánh mất lợi thế so với các đồng tiền chủ chốt khác trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, sẽ tiếp tục trên đà giảm.
Phong trào “ra đi” được dẫn dắt bởi Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove và cựu thị trưởng London Boris Johnson. Gần một nửa các thành viên theo phe bảo thủ trong Quốc hội cũng như đảng Độc lập (UKIP) chọn rời khỏi EU. Những người ủng hộ Anh ra đi cho rằng trong 4 thập kỷ qua, Liên minh châu Âu đã thay đổi quá nhiều cả về quy mô và ngày càng trở nên quan liêu, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm; Các điều luật của khối này đang bóp nghẹt doanh nghiệp Anh, vì vậy, rời đi sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Họ cũng cho rằng Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới và hạn chế được người nhập cư. Tuy nhiên, những người này cũng phải thừa nhận rằng có những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, các tác động sẽ phụ thuộc vào các điều khoản sau khi Anh đàm phán với EU, đặc biệt là việc Anh có còn được phép tự do bước vào thị trường chung châu Âu nữa hay không. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều muốn Anh ở lại và nói rằng nếu ra đi tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm mạnh, đồng bảng yếu đi đáng kể và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiết hại. Nếu rời đi, Anh sẽ mất quyền tự do giao thương với các nước còn lại trong EU - thị trường tiêu thụ 45% hàng xuất khẩu của Anh.
Mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều đang xem vấn đề Brexit như mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu đang yếu kém. Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Washington Post" của Mỹ trước thềm cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra tại Anh ngày 23/6 khẳng định kịch bản trên nếu thành hiện thực sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả Anh, châu Âu và toàn thế giới.
Theo "Washington Post", Brexit, tức Anh rút khỏi EU, có thể tạo ra "làn sóng các đòn tấn công" nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Riêng Mỹ, nhà đầu tư rất lớn vào kinh tế Anh, sẽ chịu tác động đáng kể, bởi nhiều công ty Mỹ coi Anh là "cánh cửa" cho quan hệ tự do thương mại với 28 nước EU. Nếu Anh rời khỏi EU, thu nhập của các công ty Mỹ sẽ bị giảm sút, buộc nhiều công ty Mỹ phải chuyển hoạt động hợp tác, đầu tư tại EU sang những địa chỉ khác.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo sự phát triển của kịch bản tiêu cực này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh giảm 5,6% trong vòng 3 năm tới.
Những tác động đối với Việt Nam?
Bình luận về việc Anh có thể rời khỏi EU và những tác động có thể đến với thị trường chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán BSC nhận định: “Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó nằm ngoài tác động đó do hiện tại dòng vốn ngoại, dù chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường, đang đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn nội”. Tuy nhiên, phần đông các chuyên gia phân tích cho rằng, những ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam chỉ trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng nếu khả năng đó xảy ra, trong ngắn hạn thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trung hạn sẽ tự ổn định lại. Tất cả những sự lộn xộn gây tranh cãi hiện nay đều giúp cho sự cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á có nhiều lợi thế. Với những nhà đầu cơ muốn tạo khủng hoảng để kinh doanh thì đây lại là cơ hội.