New York - trung tâm tài chính tốt nhất thế giới
Thành phố New York, Mỹ đã trụ được qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong bảy thập niên vừa qua để giữ vững vị trí trung tâm tài chính đứng đầu thế giới, theo sau là Singapore.
Trong cuộc thăm dò toàn cầu của hãng tin tài chính Bloomberg (Bloomberg Global Poll), đảo quốc Singapore đã vượt qua London, được các nhà đầu tư lựa chọn là địa điểm thích hợp nhất cho hoạt động kinh doanh. Thay bậc đổi ngôi Trong số các nhà đầu tư, thương nhân và chuyên gia phân tích được thăm dò ý kiến có 29% đã bỏ phiếu chọn New York là nơi tốt nhất trên thế giới về các dịch vụ tài chính trong vòng 2 năm tới; Singapore được 17%; London tụt xuống hạng 3 khi chỉ còn chiếm 16%; Thượng Hải được 11%, trong khi Tokyo - nơi từng được coi là một trung tâm của thế giới - chỉ giành được 1%. Những người được khảo sát còn cho biết, Trung Quốc, Brazil được coi là những nơi có nhiều cơ hội tốt để kiếm tiền; những nơi như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có ít cơ hội hơn. Kết quả bình chọn về môi trường tốt nhất cho dịch vụ kinh doanh tài chính trái ngược hẳn với nỗi lo ngại chỉ mới ba năm trước khi New York mất lợi thế cạnh tranh vào tay London trong việc trở thành trung tâm tài chính thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Henry Paulson và Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã cảnh báo rằng những quy định thái quá của Mỹ đã khiến các công ty đầu tư chuyển sang Anh. Quy định chặt chẽ là điều tốt Điểm vượt trội của New York hiện nay so với London là có khả năng giám sát tài chính chặt chẽ hơn. Các nhà lập pháp của cả Mỹ và Anh đều đang tiến hành thiết kế lại hàng loạt quy định về tài chính và tăng thuế sau khi cuộc khủng hoảng tín dụng và đợt suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại cho các hộ gia đình hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và làm mất đi 10 triệu việc làm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hy vọng chính quyền Mỹ dười thời Tổng thống Barack Obama sẽ chặt chẽ hơn trong việc giám sát rủi ro so với chính quyền Anh dưới thời Thủ tướng Gordon Brown. Richard Nolan, chiến lược gia của công ty môi giới Newedge Group ở London nói “so với châu Âu, người Mỹ mạnh tay hơn với các chính trị gia, do đó có nhiều cơ hội tốt hơn trong việc thực hiện các cam kết về quy định kiểm soát, thuế và thực thi chủ nghĩa dân túy. Tuy cả New York và London đều khó khăn nhưng theo tôi, London sẽ khó khăn hơn.” Bennet Gross, giám đốc bộ phận quản lý tài sản của công ty Pacific Income Advisors Inc. ở Santa Monica, California cũng đồng ý rằng việc siết chặt các quy định có thể là một lợi thế. Theo ông, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận sự kiểm soát chặt hơn để đổi lấy tính ổn định và thanh khoản của thị trường, nhất là vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính vừa đi qua. “Phần lớn các khách hàng giàu có sẽ chấp nhận quy định chặt chẽ hơn vì điều đó có nghĩa là khoảng cách từ đỉnh đến đáy sẽ bớt nghiêm trọng, không như thời kỳ tụt dốc năm 2008”, ông Gross nói. Một trong những nguyên nhân khác khiến London tụt hạng là do nhiều quỹ đầu tư an toàn (hedge fund) đã rời khỏi nơi này vì mức thuế thu nhập mới lên đến 50% đối với những nguồn thu lớn. Bên cạnh đó là những quy định mới của Liên minh châu Âu hạn chế lượng tiền mà họ có thể vay. Công ty tư vấn Kinetic Partners LLP nói rằng trong 18 tháng qua họ đã giúp di chuyển 23 quỹ hedge fund từ London sang Thụy Sĩ và dự kiến di chuyển 15 quỹ nữa sau khi Anh công bố tăng thuế thu nhập cao hồi tháng 4-2009. Các thị trường mới nổi hấp dẫn hơn Singapore và Thượng Hải ngày càng nổi lên khi nhiều công ty tìm kiếm phương thức khai thác nguồn của cải được tích lũy ở Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á. Hoạt động quản lý tài sản tư nhân đặc biệt phát triển ở Singapore vì nước này không có thuế lãi vốn (capital-gain tax). Thượng Hải chưa được tổ chức tốt như Singapore nhưng 11% số người được khảo sát vẫn chọn thành phố này vì tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc. Theo Anthony Comorat, giám đốc bộ phận quản lý tài sản của Lydian Trust Co. ở Florida, Mỹ, trong lúc tín dụng bị thắt chặt ở Mỹ thì Trung Quốc cố khơi thông nguồn tiền tiết kiệm khổng lồ của người dân. Trung Quốc “là quốc gia không bị khủng hoảng tài chính, có thặng dư ngân sách để có thể thâm tóm và điều hành các doanh nghiệp toàn cầu với một quy mô chưa từng thấy”, ông Comorat nói. “Điều này sẽ tạo ra môi trường tối ưu cho dịch vụ tài chính mà phương Tây sẽ không có được trong vòng hai năm tới”, ông nói thêm. Cũng giống như Singapore và Thượng Hải, thành phố Dubai ở Trung Đông vẫn là một trung tâm tài chính khu vực được ưa chuộng của các nhà đầu tư muốn tận dụng sự giàu có do dầu mỏ tạo ra ở các nước Ả-rập. Có 5% số người được hỏi ý kiến đã chọn Dubai. Cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư thích được làm việc ở những nơi đã hình thành được cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ tài chính như New York, Singapore, London. Tuy nhiên, họ nhận thấy cơ hội tốt nhất cho hoạt động đầu tư là ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trong số người được hỏi có 68% tỏ ra lạc quan về môi trường đầu tư ở Brazil, 67% lạc quan về thị trường Ấn Độ và 66% lạc quan về Trung Quốc. Trong khi đó, môi trường đầu tư ở Mỹ chỉ được đánh giá cao bởi 41% số người được hỏi ý kiến, 36% đánh giá tích cực về thị trường Âu châu. Riêng Nhật Bản chỉ có 25% tỏ ra lạc quan về môi trường đầu tư và 5% đánh giá rằng Tokyo có thể tạo ra những cơ hội tốt nhất. Cuộc khảo sát Bloomberg Global Poll tiến hành 3 tháng một lần. Kết quả vừa nói trên được khảo sát từ ngày 23 đến 27-10-2009 với 1.452 nhà quản lý tại 6 châu lục trên thế giới, đại diện cho những người ban hành quyết định trong lĩnh vực thị trường, tài chính và kinh tế. Sai số của kết quả khảo sát nằm trong khoảng +/- 2,6%.