Ngã ba đường
(Tài chính) Việc Vương quốc Anh thông báo sẽ tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một thất bại của Mỹ trong việc thuyết phục các nước đồng minh không can dự vào định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng này. Washington hiện đang đứng trước ngã ba đường, tham gia thì sợ mất thể diện, mà cản trở AIIB lại là một gánh nặng đối với Mỹ.
Sự dè dặt của Washington đối với AIIB là khá hiển nhiên, Bởi AIIB sẽ tạo ra một sự cạnh tranh lớn đối với các định chế phát triển hiện hữu, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về các tiêu chuẩn yếu kém của AIIB và khả năng Trung Quốc sử dụng hệ thống hạ tầng do AIIB tài trợ để tạo ra đòn bẩy lớn hơn trong khu vực.
Từ những tính toán trên, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh của họ chưa tham gia AIIB, ít nhất là cho đến khi có được những thông tin rõ ràng hơn về cơ chế ra quyết định của thể chế này. Tuy nhiên, với quyết định của Anh, khả năng liên minh mà Mỹ xây dựng một cách cẩn thận này sẽ dần lung lay. Australia và Hàn Quốc dường như cũng có thể sử dụng quyết định của Vương quốc Anh như vỏ bọc chính trị cho quyết định tham gia AIIB.
Quyết định trên của Anh, quốc gia hàng đầu trong khối G7, rõ ràng đối với Mỹ là một cú tát. Trong bài viết có đề tựa Ngân hàng Phát triển châu Á đang chia rẽ Washington và London, ông Philippe Le Corre, thuộc Brookings Institution, cho rằng: Washington đã không tài nào chứng tỏ được mình là một cường quốc tại châu Á trong khi Trung Quốc đang cho thấy là họ cũng biết làm chính trị qua việc gây chia rẽ giữa Mỹ với châu Âu và ngay trong nội bộ khu vực.
Tại thời điểm này, Washington có ba lựa chọn: trước hết là tiếp tục gây áp lực để các đồng minh của họ không tham gia AIIB cho đến khi các thủ tục quản lý ngân hàng này được bảo đảm. Thứ hai là tham gia vào AIIB và cuối cùng là quay lưng lại đối với vấn đề này.
Lựa chọn thứ nhất rõ ràng sẽ là một đề nghị không thành. Sẽ là vô nghĩa khi Mỹ vẫn ra sức thuyết phục các nước trong và ngoài khu vực không tham gia ngân hàng này. Vấn đề nhỏ nhặt đó đã làm cho Mỹ yếu thế trong khi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này vẫn rất lớn.
Lựa chọn thứ hai, được nhiều nhà phân tích quốc tế ủng hộ, là Mỹ nên tham gia AIIB. Có một số lý do giải thích tại sao đây lại là một ý tưởng tốt. Việc can dự vào AIIB có thể giúp các công ty Mỹ tiếp cận một cách công bằng hơn tới các cơ hội đấu thầu nảy sinh từ hoạt động đầu tư tài chính của AIIB. Việc tham gia vào lúc này có thể làm Mỹ mất thể diện, nhưng trước tiên Mỹ có thể bắt đầu bằng cách công khai thừa nhận sự cần thiết về việc tăng cường năng lực tài chính của châu Á mà AIIB có thể cung cấp và bằng cách chuyển sang hợp tác sớm với Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản để xây dựng các nguyên tắc chung cho việc gia nhập.
Lựa chọn thứ ba là Mỹ quay lưng lại với AIIB, nhưng giải phóng các quốc gia khác khỏi mọi áp lực mà họ có thể cảm nhận từ việc Mỹ không tham gia, đồng thời để mặc cho AIIB tự phát triển theo khả năng của nó. Nếu AIIB hoạt động theo đúng chuẩn mực như WB và ADB thì đó sẽ là một sự bổ sung đáng mừng cho lĩnh vực tài chính phục vụ phát triển. Mỹ không nhất thiết phải có chân trong tất cả các tổ chức khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ có thể đứng ngoài AIIB hoặc làm quan sát viên của tổ chức này.
Theo các chuyên gia phân tích, Washington nên ưu tiên thúc đẩy các ý tưởng và các định chế của Mỹ thông qua trục mà Mỹ xây dựng, hay còn gọi là chiến lược tái cân bằng. Việc cản trở AIIB đã trở thành một gánh nặng đối với Washington và đây là lúc để loại bỏ gánh nặng này.