Nga: Tăng cường vai trò trong BRICS
(Tài chính) Nền tài chính Nga đang phải chịu sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng giá dầu thế giới không ngừng suy giảm. Trong bối cảnh đó, Nga dự định tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), tạo nên sự ảnh hưởng của Khối trong nhiệm kỳ Nga làm chủ tịch.
Khó khăn chồng chất
Từ đầu năm 2015 đến nay, Nga liên tiếp bị các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ xếp hạng tín dụng. Cụ thể, ngày 10/1/2015, Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng của Nga từ BBB xuống BBB- tức là triển vọng tiêu cực.
Tiếp đó, ngày 21/2/2015, nợ quốc gia của Nga cũng bị Moody's xếp hạng tín nhiệm "vô giá trị". Moody’s dự báo lượng vốn chảy ra khỏi Nga trong giai đoạn 2015-2016 sẽ ở mức 400 tỷ USD, và nền kinh tế suy giảm 8,5% trong giai đoạn trên.
Nguyên nhân chính của việc Nga bị hạ cấp tín nhiệm là do giá dầu giảm tới hơn 50% từ tháng 6/2014 và Mỹ cùng các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga do khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp này đã khóa chặt kênh vay vốn quốc tế của Nga, khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo đồng rouble, cổ phiếu và trái phiếu Nga.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ, giới chức Nga đã thực hiện hàng loạt biện pháp khẩn cấp như tăng lãi suất mạnh nhất 17 năm, lên kế hoạch bơm 1.000 tỷ rouble cho các ngân hàng và buộc các hãng xuất khẩu đổi doanh thu ngoại tệ ra rouble. Tuy nhiên, động thái trên của Nga lại bị nhiều chuyên gia phân tích cho là Nga đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn. Các chính sách đưa ra thiếu chắc chắn và khủng hoảng sâu đang ăn mòn lẫn nhau.
Trông đợi BRICS
Trong bối cảnh khó khăn như trên, Nga đang không ngừng kết nối với các thành viên BRICS để tạo dựng một sân chơi mới với hy vọng khối BRICS gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ là đối trọng ảnh hưởng với phương Tây cả về mặt chính trị và kinh tế.
Ngày 21/2/2015, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đã phê chuẩn thỏa thuận về việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NBD) của nhóm nước BRICS.
NBD đã được thành lập vào tháng 7/2014 tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil. Mỗi nước thành viên BRICS đều đồng ý đóng góp 10 tỷ USD cho NDB.
Với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD, mục đích của Ngân hàng NBD là hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi cả trong và ngoài khối BRICS. Đồng thời, BRICS mong muốn xây dựng một thể chế tài chính đủ mạnh để giảm dần sự phụ thuộc của các nền kinh tế này đối với các thể chế phương Tây khác.
Bên cạnh đó, cơ chế chung thứ hai của BRICS, Quỹ Dự trữ Khẩn cấp - CRA cũng được thành lập. CRA có mục đích hỗ trợ cho các nền kinh tế trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trung Quốc sẽ đầu tư 41 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ, còn Nga, Brazil và Ấn Độ sẽ đóng góp 18 tỷ USD mỗi nước, và Nam Phi là 5 tỷ USD.
Việc thành lập NBD và CRA cho thấy, các nước thành viên BRICS có ý định cơ cấu lại hệ thống tài chính và tín dụng toàn cầu, tạo ra cơ chế đầu tiên có thể thay thế Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
BRICS được nhiều bên kỳ vọng là sẽ chứng tỏ vai trò như một trung tâm quyền lực mới, một cán cân cho trật tự kinh tế và chính trị quốc tế. Đây có thể là một công cụ mới để Nga tận dụng, phản công Mỹ và Phương Tây.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, Nga đã trở thành chủ tịch nhóm BRICS. Trong thông điệp chúc mừng năm mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo ý định của mình là trong nhiệm kỳ làm chủ tịch BRICS, Nga dự định tăng cường hơn nữa vai trò của BRICS, tạo nên sự ảnh hưởng ngày càng tăng của khối trên sân khấu chính trị thế giới.