Ngăn chặn kịp thời mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập khẩu có sai phạm

Theo baohaiquan.vn

Trong hoạt động nhập khẩu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, một số DN đã cố tình sai sót về thủ tục hải quan hoặc cố tình không khai báo hàng hóa, khai sai tên hàng hóa, chủng loại, chất lượng, xuất xứ hàng hóa hòng trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới,

Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Cục Điều tra chống buôn lậu được phân công nhiệm vụ đôn đốc công tác thu thập thông tin; kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

Trong đó, giao chỉ tiêu bắt giữ tới từng Đội Kiểm soát hải quan về cả số vụ việc bắt giữ lẫn trị giá tang vật. Theo thống kê, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 52 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước trên 18 tỷ đồng; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng khởi tố 2 vụ. Hiện lực lượng Hải quan đang hoàn tất hồ sơ khởi tố 2 vụ việc.

Trong số các vụ việc đã được phát hiện, bắt giữ, điển hình là Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4-Cục Điều tra chống buôn lậu) phát hiện, xử lý Công ty TNHH đầu tư XNK X. NK một số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ Mỹ về Việt Nam không khai báo hải quan, không công bố về tiêu chuẩn sản phẩm.

Tang vật thu giữ gồm: 8.373 hộp thực phẩm chức năng, 21.088 lọ hóa mỹ phẩm các loại cùng nhiều hàng hóa đã qua sử dụng (thuộc Danh mục hàng hóa cấm NK); tổng trị giá hàng hóa ước tính ban đầu hơn 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết thêm: Hiện nay việc NK mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không đúng chỉ tiêu chất lượng, tem hàng hóa ghi trên nhãn sản phẩm, không đúng với công bố sản phẩm diễn ra khá phức tạp. Qua đấu tranh lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm phức tạp.

Nhiều DN cố tình sai sót về thủ tục hải quan hoặc cố tình không khai báo hàng hóa, khai sai tên, chủng loại, chất lượng, xuất xứ hàng hóa hòng trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Hải quan. Nhiều vụ việc khi bị lực lượng Hải quan phát hiện, các đối tượng đã mở tờ khai mới hoặc từ chối nhận hàng.

Tại Hải Phòng, Đội 4 đã phát hiện Công ty TNHH Hoa Mặt Trời Việt Nam có hành vi NK 22 sản phẩm có thành phẩm không phù hợp với hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm; Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy NK 5 mặt hàng mỹ phẩm có tên sản phẩm ghi trong nhãn sai với công bố.

Ở một vụ việc khác, Công ty CP Thương mại An Quốc NK mỹ phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam không có xuất xứ hàng hóa. Theo DN khai báo, lô hàng gồm 71 kiện hàng hóa có bao bì ghi rõ là hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên qua kiểm tra, lực lượng Hải quan phát hiện hàng hóa là mỹ phẩm đựng trong 71 thùng phuy nhựa, có trọng lượng 154kg/thùng, có dán nhãn bằng giấy khổ A4 ghi rõ thành phần, chất, tên sản phẩm và nhiều đề can, bao bì có in tên của nhiều thương hiệu mỹ phẩm khác nhau.

Trong nội địa, Đội 4 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra, phát hiện kho hàng đóng gói chứa nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu Maya, trên bao bì sản phẩm có in bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Đáng lưu ý, trong kho hàng trên có máy sang chiết, máy đóng gói và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Toàn bộ số hàng hóa có dán nhãn ghi mã vạch xuất xứ từ Đài Loan, có đóng dấu độc quyền NK bởi Công ty Nam Thước (có địa chỉ tại số 110, P.4, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Công ty đã không xuất trình được giấy phép của cơ quan chức năng cấp cho cơ sở sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lịch cảnh báo, mỹ phẩm giả được các đối tượng vận chuyển qua đường mòn, lối mở trên các tuyến cửa khẩu đường bộ. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình hiểm trở, xé lẻ hàng hóa, tháo rời bao bì, nhãn mác, vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, thậm chí các đầu nậu còn “khoán trách nhiệm” từng cung đường cất giấu trong các mặt hàng khác hoặc xách tay cùng hành lý du lịch. Sau khi vận chuyển hàng hòa “trót lọt” qua đường biên giới, các đối tượng này lại dùng xe máy, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa trà trộn vào các trung tâm thương mại giáp biên giới để tiêu thụ.

Thời gian tới, trong công tác thu thập và xử lý thông tin và xác định trọng điểm, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị chuyên trách tổng hợp số liệu XNK các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; lập danh sách DN XNK theo từng ngành hàng, mặt hàng, từ đó xác định DN có nguy cơ cao để có biện pháp quản lý.

Mặt khác, trên cơ sở thu thập thông tin từ các DN ngoài ngành, cùng với phân tích thông tin dữ liệu trong ngành Hải quan, lực lượng Hải quan chủ động thu thập thông tin ngay từ khi hàng hóa đang trên đường vận chuyển về Việt Nam. Lực lượng Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành, đảm bảo xử lý kịp thời các vụ việc.