Nhiều giải pháp chống thuốc lá lậu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

PV.

Nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu và tăng cường hiệu quả các chế tài xử phạt, giúp các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ tăng cường mức xử phạt về hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.

Cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, trong đó có thuốc lá diễn ra rất phức tạp. Nguồn: baohaiquan.vn
Cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, trong đó có thuốc lá diễn ra rất phức tạp. Nguồn: baohaiquan.vn

“Nóng” thuốc lá lậu cuối năm

Thống kê cho thấy, tính từ ngày 16/9/2014 đến ngày 15/9/2015, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 387 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ 22.041kg nguyên liệu thuốc lá, 715.547 bao thuốc lá và 6.267 điếu xì gà, bắt giữ 62 đối tượng buôn lậu.

Trong đó, riêng lực lượng Hải quan thu giữ: 118.469 bao thuốc lá hiệu 555; 72.967 bao thuốc lá hiệu Jet; 767.780 bao thuốc lá hiệu Hero; 21.161 bao thuốc lá hiệu Nelson; 28.550 bao thuốc lá hiệu Gonghexinxi; 13.960 bao thuốc lá mang nhãn hiệu Trung Quốc; 93.990 bao thuốc lá hiệu Nise…

Thực tế cho thấy, cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, trong đó có thuốc lá diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), cơ quan hải quan tại một số địa phương có hoạt động buôn lậu thuốc lá phức tạp, đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triệt phá nhiều vụ buôn lậu thuốc lá lớn.

Điển hình là trưa ngày 18/11, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp) đã phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ 1000 gói thuốc lá ngoại tại khu vực phường An Thanh, thị xã Hồng Ngự. Trước đó, ngày 17/11, Đội Kiểm soát Hải quan đã phối hợp Công an xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự tuần tra, kiểm soát trên sông Sở Thượng, phát hiện 2 bao nylon màu trắng bên trong chứa thuốc lá ngoại gồm 1.390 gói các nhãn hiệu Nelson, Hero, Scott, Elephant do đối tượng buôn lậu bỏ lại khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Đồng Tháp đã bắt giữ khoảng 60.000 gói thuốc lá ngoại các loại.

Đêm 25/11, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan An Giang) đã bắt giữ 1.000 gói thuốc lá lậu tại khu vực ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mới đây nhất, sáng 4/12, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (Cục Hải quan An Giang) đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu sông Tiền bắt giữ vụ vận chuyển 2.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Trước đó một ngày (3/12), tổ công tác nêu trên cũng đã phát hiện một vụ buôn lậu và bắt giữ 437 gói thuốc lá ngoại hiệu Jet, Hero…

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, sau 1 năm triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử lý 28 vụ, thu giữ 21.680 bao thuốc lá lậu. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã khởi tố 2 vụ, 3 đối tượng; xử lý hành chính 26 vụ, phạt tiền hơn 23 triệu đồng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn diễn ra nhỏ lẻ, thuốc lá điếu được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trà trộn vào các loại hàng hóa nhập lậu khác. Thuốc lá lậu được các đối tượng mang vác theo đường mòn qua biên giới, sau đó xé lẻ, cất giấu trên các phương tiện nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn dự báo, hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố yếu tố phức tạp, nhất là thời điểm dịp tết Nguyên đán.

Thống kê cho thấy, từ ngày 1/10/2014 đến ngày 30/9/2015, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lí hàng ngàn vụ vi phạm về vận chuyển, tàng trữ, buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn, tịch thu gần 1,6 triệu gói, tăng 43% so với cùng kì năm 2014.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, hoạt động vận chuyển buôn lậu thuốc lá được thực hiện có tổ chức, hình thành đường dây với sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nội địa và ở nước bạn Campuchia. Các đầu nậu thường tập kết hàng sát biên giới, đất liền, sau đó phân chia nhỏ hàng hóa thuê mang vác, vận chuyển qua biên giới đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ. Việc vận chuyển được chia thành nhiều nhóm đông người, có tổ chức cảnh giới, canh đường và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại di động để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Nhiều giải pháp đồng bộ chống thuốc lá lậu

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5269 yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công các kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá lậu qua cửa khẩu, hai bên cánh gà, khu vực địa bàn kiểm soát hải quan...

Mới đây, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá qua biên giới, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn, việc làm cho cư dân biên giới để họ không tiếp tay, vận chuyển thuốc lá lậu. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá theo hướng tăng mức phạt xử lý vi phạm hành chính và giảm mức quy định về số lượng thuốc lá vận chuyển lậu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trong nỗ lực chống buôn lậu, trong đó có thuốc lá trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, mới đây, Ban Chỉ đạo 389 đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả…

Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu dùng cách thức chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Trước tình hình đó, ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, Nghị định 124/2015/NĐ-CP đã tăng cường mức xử phạt về hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Cụ thể, hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính (trước đây quy định buôn bán 1.500 bao thuốc lá lậu trở lên mới bị xử lý hình sự). Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 124/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ về mức xử phạt đối với hành vi buôn lậu thuốc lá, cụ thể: Buôn lậu từ 500 bao thuốc lá trở lên có thể nhận hình phạt lên đến 15 năm tù giam; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu buôn lậu dưới 10 bao; Phạt 5 triệu - 10 triệu đồng từ nếu buôn lậu từ 50 bao đến dưới 100 bao; Phạt từ 50 triệu - 70 triệu đồng từ 400 đến dưới 500 bao... Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển nguyên liệu thuốc lá nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 2.000 kg trở lên (quy định cũ là 1.000 kg). Các quy định nghiêm này được kỳ vọng góp phần tích cực làm hạ nhiệt tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá không chỉ tuyến biên giới mà cả thị trường nội trong thời gian tới.