Lãi suất huy động rục rịch tăng?
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng, trong khi các ngân hàng thương mại hạn chế nguồn cung VND đã khiến lãi suất huy động rục rịch tăng trong thời gian gần đây.
Mặc dù, gần đây một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, song mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện vẫn thấp hơn thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện khoảng từ 1,5-2%/năm.
Lãi suất tiền gửi đi lên
Mới đây, "ông lớn" Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm % đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức tương đương với 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến đầu tuần trước (ngày 21/6).
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại "Big 4" đều là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, Agribank, BIDV đều niêm yết 5,6%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn một chút ở mức 5,5%/năm.
Với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank niêm yết mức 5,3%/năm trong khi 3 ngân hàng còn lại đều ở mức 5,6%/năm.
Trước đó, trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ ngày 27/5, ngân hàng SHB cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó. Ngân hàng chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài 12 tháng từ 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm.
Từ giữa tháng 5, Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới, tăng 0,1 - 0,2 điểm %/năm đối với nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2 điểm %/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2 điểm %/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng tăng 0,1 điểm % lên lần lượt 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.
Khảo sát thị trường cho thấy, ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi cao nhất là OCB với lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm, ACB với mức 7,4%/năm… Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất đặc biệt này, người gửi tiền phải đáp ứng các điều kiện về số tiền gửi từ 200, 300 hoặc 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi từ 12-13 tháng. Với cùng kỳ hạn, nếu khoản tiền gửi không đáp ứng điều kiện trên, lãi suất khách hàng nhận được chỉ trên 6%/năm.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, nhu cầu thanh khoản tăng cao cũng khiến lãi suất thiết lập một mặt bằng mới từ đầu tháng 5 tới nay. Hiện lãi suất VND qua đêm đang giao dịch quanh mức 1,25%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,3 - 0,4% duy trì vài tháng trước đó.
Tăng cục bộ ở một số ngân hàng
Việc lãi suất tăng ở một số ngân hàng là nhằm cân bằng lại lợi ích của người gửi tiền với kỳ vọng phần nào giảm xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư thay vì giữ các khoản tiết kiệm.
Công ty Chứng khoán VPS nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều người phải ở nhà nên có thời gian tập trung vào chứng khoán. Dòng tiền đổ vào thị trường này không ngừng tăng, trong đó có một phần từ dòng tiền nhàn rỗi khi lãi suất huy động ổn định ở mức thấp. Cùng với lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng nhích lên, khiến lãi suất huy động rục rịch tăng.
Để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, tăng lãi suất không phải là xu hướng mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng.
Nhận định về xu hướng lãi suất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Lê Đức Thọ cho rằng, trong ngắn hạn, lãi suất sẽ chưa có nhu cầu phải tăng do thanh khoản vẫn rất dồi dào. Việc kiểm soát vĩ mô tốt đã tạo điều kiện cho lãi suất duy trì ở mức thấp.
"Nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4% thì lãi suất như hiện nay là rất hợp lý, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như người dân", ông Thọ khẳng định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng và đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, trong khi lãi suất huy động thấp sẽ khiến chênh lệch huy động – cho vay nới rộng. Vì vậy, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước.
Còn theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp. Dự báo, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm %, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021.