Ngân hàng cạnh tranh lãi suất cho vay mua ô tô cuối năm
Nhiều nhà băng đang chọn cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó điều chỉnh lãi suất giảm thấp với mong muốn thúc đẩy khách hàng vay mua xe ô tô cuối năm.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, quản lý một showroom ô tô trên đường Phạm Hùng, Hà Nội nhận xét, hiện nay có nhiều hãng xe giảm giá bán, cùng với chương trình ưu đãi 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và ngân hàng giảm lãi suất cho vay tiêu dùng nên kích thích nhu cầu. Do đó, cứ 10 khách đến mua xe thì có tới 7 người mua trả góp thông qua vay vốn ngân hàng.
Hạ lãi suất để kích cầu cho vay
Trong khi các hãng xe "chạy đua" tặng phí trước bạ, cú chốt kích cầu lớn nhất trong năm, các ngân hàng thương mại cũng không ngừng tung chiêu "dụ khách" vay tiền mua ô tô.
Theo tìm hiểu, trong tháng 10/2020, lãi suất cho vay mua ô tô tại các ngân hàng chỉ từ 7-9%/năm tùy theo loại hồ sơ vay, niên hạn xe, loại xe vay, hồ sơ chứng minh thu nhập, giá trị xe thế chấp... Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi từ 9,4%-13%.
Trong đó, nhóm 4 “ông lớn" ngân hàng nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đang tung ra những gói vay mua ô tô hết sức ưu đãi.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank đang áp dụng mức lãi suất 8,4%/năm cho 12 tháng đầu tiên. Sau đó điều chỉnh tăng cho các gói 24 tháng và 36 tháng đầu tiên lên áp dụng lần lượt lãi suất là 9,1 và 9,5%/năm.
Trong khi đó, tại ngân hàng Vietinbank và BIDV đang áp dụng lãi suất cố định cho 12 tháng đầu tiên lần lượt ở các mức là 7,7%/năm và 8%/năm. Còn Agribank, lãi suất cho vay mua ô tô được duy trì ở mức 7,9%/năm trong 24 tháng.
Khảo sát một vài ngân hàng trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, có thể thấy lãi suất cho vay ô tô hiện cũng rất cạnh tranh như: SHB áp dụng lãi suất cho vay mua ô tô còn 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đầu; LienVietPostBank, gói vay mua ô tô có thời hạn đến hết tháng 12/2020 với lãi suất chỉ từ 8%/năm. Tại MSB khách hàng vay mua xe có lãi suất ưu đãi 6,99%/năm; MB là 8,5%/năm...
Thực tế, việc cho vay tiêu dùng đã được các ngân hàng đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay mua ô tô cũng chiếm phần lớn trong tổng dư nợ cho vay cá nhân của các ngân hàng hiện nay.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, cho vay mua ô tô là phân khúc khách hàng luôn được các nhà băng quan tâm, bởi đây là những sản phẩm tín dụng có tài sản đảm bảo và rủi ro được phân tán. Vì thế, các ngân hàng cần tiếp tục bám thị trường, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu tài chính của khách hàng, để từ đó thiết kế ra những sản phẩm phù hợp, tạo thuận cho người vay.
Cẩn trọng với rủi ro
Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng đang là giải pháp hiệu quả để kích thích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích đẩy mạnh trong bối cảnh cho vay doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn do thị trường đầu ra bị đình trệ.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2020, các ngân hàng sẽ nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân, trong đó tập trung vào những nhu cầu thiết yếu như mua sắm, sửa chữa nhà ở, ô tô, chữa bệnh…
Nhìn nhận về xu hướng này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thì cho rằng, NHNN không hạn chế các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thậm chí khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất kích cầu cho vay, trong đó có vay ô tô.
"Việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được khuyến khích và hiện không đáng lo ngại vì tất cả các khoản cho vay tiêu dùng núp dưới cho vay đầu cơ, đầu tư bất động sản đều đang được NHNN kiểm soát rất chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào vi phạm", ông Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, ngân hàng sẵn sàng bơm vốn cho những khách hàng có thu nhập chỉ 10 triệu đồng/tháng để mua ô tô vẫn tiềm ẩn rủi ro. Với thu nhập trên, chỉ vay 200 triệu đồng với thời hạn 5 năm thì năm đầu mỗi tháng phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi gần 6 triệu đồng, chưa kể chi phí nuôi xe và các khoản chi tiêu khác. Nếu chiếc xe trên không kiếm ra tiền thì khả năng trả nợ không hề đơn giản.
Điều này đang xảy ra tại nhiều ngân hàng khi nợ xấu tăng nhanh, trong đó có đóng góp không nhỏ từ cho vay mua ô tô. “Nhiều khách hàng vay vốn mua xe gặp khó khăn, mất khả năng trả nợ. Xe bị thu, ngân hàng phát mãi liên tục mà không thanh lý được, để càng lâu càng hư hại mất giá”, đại diện một ngân hàng thương mại cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, để tránh rơi vào tình trạng phải thu hồi ô tô của khách hàng để xiết nợ, bên cạnh việc cẩn trọng, kỹ càng trong thẩm định trước cho vay, các chuyên viên tín dụng của đơn vị cũng tăng cường kiểm soát sau cho vay. Cứ định kỳ 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc đột xuất, đơn vị sẽ rà soát tình hình tài chính và tài sản bảo đảm của khách hàng.