Ngân hàng chạy đua với thời gian để tăng vốn
Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2023, nhiều ngân hàng vẫn đang nỗ lực để hoàn thành nốt các bước tiếp theo của kế hoạch tăng vốn để tạo đà cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2023, nhiều ngân hàng vẫn đang nỗ lực để hoàn thành nốt các bước tiếp theo của kế hoạch tăng vốn để tạo đà cho chặng đường phát triển tiếp theo.
“Rốt ráo” hành động để sớm tăng vốn
Vietbank cho biết, ngân hàng này vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ. Trong lần này, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới); Giá cổ phiếu bằng với mệnh giá là 10.000 đồng.
Như vậy, Vietbank sẽ tăng thêm 1.003 tỷ đồng trong đợt tăng vốn này và ngân hàng dự kiến sử dụng cho việc mở rộng kinh doanh cũng như bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho ngân hàng.
“Việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi Vietbank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II”, đại diện Vietbank chia sẻ về ý nghĩa của việc tăng vốn.
Trong khi đó, đại diện NCB cũng cho biết, ngân hàng vừa thông báo Nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng. Theo Nghị quyết, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng mạnh từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. NCB dự kiến dành 900 tỷ đồng trong số vốn tăng thêm để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhận diện thương hiệu, phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong năm 2024-2025. Số tiền 5.300 tỷ đồng còn lại được bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của ngân hàng.
Không chỉ khối nội, ngân hàng ngoại cũng rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ trong tháng cuối năm. UOB Việt Nam vừa thông báo tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Việc tăng vốn điều lệ này đã được NHNN chấp thuận. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai trong vòng 3 năm qua của Ngân hàng UOB Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng này trong việc đầu tư cho sự tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
“Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại ASEAN. Quyết định tăng vốn là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng như niềm tin vào tiềm năng to lớn của đất nước. Với mức vốn tăng thêm này, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng. Điều này sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ và ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam”, ông Victor Ngo - Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ.
Ngoài ra, việc tăng vốn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để UOB đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trong mảng bán buôn, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp xuyên suốt chuỗi cung ứng của ngân hàng nắm bắt được các cơ hội kinh doanh cũng như thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ngân hàng Việt
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn. Tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với những khó khăn, mà còn giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng trở nên bất định, vốn chủ sở hữu là gối đệm giúp cho ngân hàng “hấp thụ” những thiệt hại khi gặp rủi ro. Nên ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mạnh sẽ vững vàng vượt qua các cú sốc. Còn ngân hàng nào vốn chủ sở hữu mỏng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.
Đáng lưu ý, trong kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng gần đây đều lên phương án gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoại. Đây là phương án được đánh giá là phù hợp vì dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư nội nhiều năm nay bị chững lại. Chẳng hạn như LPBank, Vietcombank, BIDV… cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. BIDV đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch bán 9% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài...
Theo một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, danh sách những nhà đầu tư nước ngoài muốn gắn bó lâu dài tại Việt Nam nói chung, với các ngân hàng trong nước nói riêng ngày càng nhiều hơn. Một phần do môi trường kinh doanh, tỷ giá của Việt Nam ổn định, một phần do tỷ lệ sinh lời của ngân hàng Việt Nam tốt hơn nhiều nước.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng đồng tình rằng, có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam với mục đích kiếm lời. Với mục tiêu đó, họ cũng sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư. Có ba tiêu chuẩn chính mà nhà đầu tư lựa chọn với ngân hàng trong nước, đó là: Lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng lợi nhuận tương lai khá cao; có bộ máy quản trị tốt; ngân hàng đó đã niêm yết để họ có thể thoái vốn khi cần.
Mặc dù vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại nhưng các ngân hàng trong nước muốn thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư này thì cần phải có kết quả hoạt động tốt, có năng lực quản trị vững vàng, minh bạch… Đầu tư vào ngân hàng, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ là lợi nhuận cao mà còn là lợi nhuận ổn định, bền vững. Bên cạnh lo ngại chất lượng tài sản, một trong những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào ngân hàng trong nước là câu chuyện chất lượng tài sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.