Ngân hàng chủ động thu hút kiều hối
(Tài chính) Chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua cũng như sự chủ động của các ngân hàng thương mại có vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn kiều hối.
Theo tổng kết của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ 2009 - 2014, mỗi năm có thêm 1 tỷ USD kiều hối chuyển về nước, dự báo năm 2014 lượng kiều hối sẽ chuyển vào khoảng 11 - 12 tỷ USD. Có 5 nguyên nhân chính khiến dòng kiều hối tăng trưởng mạnh. Thứ nhất, Việt Nam đã có những thay đổi căn bản về chính sách đối với kiều bào, cho phép thân nhân trong nước nhận kiều hối bằng ngoại tệ và năm ngoái bắt đầu cho người nước ngoài sở hữu căn hộ... Thứ hai, các ngân hàng thương mại đã nâng cấp các dịch vụ chuyển tiền theo hướng an toàn, nhanh chóng, chi phí hợp lý. Thứ ba, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh được cải thiện. Thứ tư, chênh lệch lãi suất USD tại Việt Nam với các thị trường quốc tế bình quân 5 năm trở lại đây bảo đảm lợi nhuận cao và ổn định cho người gửi tiền. Thứ năm, số lượng lao động Việt Nam tại nước ngoài mỗi năm đều gia tăng.
Ở đây không nói đến các yếu tố 3 và 5 là những nguyên do mang tính khách quan và nằm trong bối cảnh chung của đất nước. Chỉ xét các nguyên nhân còn lại cũng có thể khẳng định, chính sách điều hành tiền tệ của NHNN thời gian qua cũng như sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong nước có vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn kiều hối.
Hai năm qua, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá ổn định và linh hoạt. Theo đó, mặc dù tỷ giá và lãi suất gửi tiết kiệm ngoại tệ được quy định ở mức thấp, nhưng tỷ giá VND/USD luôn được duy trì ở mức ổn định so với các kênh đầu tư khác. Vì thế, nhiều nguồn kiều hối đã được người dân chuyển sang VND để gửi tiết kiệm, khiến lượng kiều hối ở lại các ngân hàng để hưởng lãi suất chiếm tỷ lệ khá cao (30%) trong cơ cấu kiều hối năm 2014. Tại TP. Hồ Chí Minh, vài năm trở lại đây, các ngân hàng đã chạy đua trong mảng cung cấp dịch vụ chi trả kiều hối, nhiều ngân hàng tham gia tích cực vào miếng bánh thị phần kiều hối thông qua việc hợp tác với những người khổng lồ trong lĩnh vực chuyển tiền như Western Union, Xpress Money, Wells Fargo... Một số ngân hàng đã xây dựng hệ thống chi trả với kỹ thuật công nghệ hiện đại, giúp xử lý các giao dịch trên toàn quốc với tốc độ nhanh hơn 30% so với trước đây. Thêm vào đó, hệ thống hiện đại còn có khả năng tự động cập nhật dữ liệu của đối tác, từ đó giảm được những bất lợi do khác múi giờ làm việc với đối tác.
Các ngân hàng thương mại còn nhanh nhạy khơi thông dòng chảy và thu hút kiều hối bằng cách khai thác tốt các thị trường xuất khẩu lao động mới. Cụ thể, các ngân hàng đã thắt chặt hợp tác với các công ty xuất khẩu lao động tại các thị trường có nhiều lao động Việt Nam như Malaysia và Đài Loan; tích cực kết nối với các công ty xuất khẩu lao động tại hai thị trường mới và cao cấp là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm cung ứng sản phẩm trọn gói cho người lao động như: cho vay vốn, mở tài khoản, quản lý tiền ký quỹ, chuyển thu nhập về nước, gửi tiết kiệm kiều hối.