Ngân hàng đầu tư vào trái phiếu: Năm 2015 sẽ "ngọt" hay "đắng"?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Hiện tại, lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) mà các ngân hàng thương mại (NHTM) đang nắm giữ chỉ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của cả hệ thống. Vì vậy, nếu năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục có xu hướng phát triển tốt thì dư địa để các NHTM tiếp tục đầu tư vào kênh TPCP vẫn còn lớn.

Lượng TPCP mà các NHTM đang nắm giữ chỉ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của cả hệ thống. Nguồn: internet
Lượng TPCP mà các NHTM đang nắm giữ chỉ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của cả hệ thống. Nguồn: internet

Đây là nhận định của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) về thị trường TPCP năm 2015 tại Hội nghị thường niên 2014 của VBMA được tổ chức ngày 24/10, tại Nha Trang.

Năm 2015, trái phiếu bị “co” dư địa?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, thị trường tài chính quốc tế đang băn khoăn trước hai xu hướng khá ngược chiều nhau. Trong khi châu Âu và Nhật Bản tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nghĩa với việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp và có thể giảm thêm, thì một xu hướng ngược lại đang diễn ra tại Mỹ, khi sức ép về việc ngừng gói kích thích kinh tế ngày càng tăng. Những xu hướng này trong năm 2015 sẽ có tác động tới nền kinh tế của Việt Nam, nhưng phần nhiều chỉ đi ngang.

Việc các NHTM đầu tư bao nhiêu % tổng tài sản vào TPCP phụ thuộc vào quan điểm của từng ông chủ ngân hàng, ngưỡng nào là nghiệp vụ kinh doanh riêng của từng đơn vị. Nhưng ở điều kiện hiện tại, mức độ giao động từ 5-8% là phù hợp.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Chia sẻ về các yếu tố trong nước tác động tới thị trường TPCP Việt Nam trong năm 2015,  ông Quỳnh nói: “Việc Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, để chuyển từ tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu sẽ là yếu tố rất quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển tích cực của thị trường TPCP không chỉ trong năm 2015, mà cả giai đoạn tới”.

Chính những giải pháp của Chính phủ trong thời gian qua đã được thể hiện qua các kết quả đạt được của nền kinh tế như các vấn đề kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất,.... Kết quả tích cực của nền kinh tế đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Điều này thể hiện rõ qua nhu cầu đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn dài tăng lên, cũng như lãi suất của các kỳ hạn dài đã giảm rất nhanh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, câu hỏi đặt ra là, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế sẽ có lộ trình và đạt những kết quả nào để tạo ra sự phát triển bền vững. Câu trả lời này sẽ có tác động rất lớn tới thị trường trái phiếu trong năm 2015. Theo quan điểm của cá nhân ông Quỳnh, xu hướng hiện tại đang rất tốt, nên trong 2015, với xu hướng này thì ít nhất thị trường vẫn duy trì chiều hướng đi ngang.

Ông Quỳnh cho biết thêm, năm 2015, khả năng Chính phủ sẽ đặt mục tiêu lạm phát là 5%. Với mức lãi suất TPCP đang giao dịch trên thị trường thứ cấp, cùng với khả năng tăng trưởng của tín dụng năm 2015 dự báo vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, nên dư địa phát triển cho thị trường trái phiếu vẫn còn, mặc dù có thể không còn mạnh như năm 2014. 

NHTM khó “hờ hững” TPCP

Nhiều người quan ngại, việc các NHTM đang đầu tư quá nhiều vào TPCP sẽ gây khó cho thanh khoản của tín dụng. Và câu hỏi đạt ra là: xu hướng của các NHTM mua TPCP trong thời gian tới sẽ như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh khoản trái phiếu đáo hạn TPCP của khối ngân hàng này vào 2015 rất lớn?

Chia sẻ về băn khoăn này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, mặc dù thời gian qua, các NHTM đã đầu tư vào TPCP rất nhiều, nhưng tổng lượng TPCP mà các ngân hàng đang nắm giữ hiện nay chỉ tương đương khoảng 7% tổng tài sản toàn hệ thống. Do vậy, dư địa vốn để các ngân hàng đầu tư vào TPCP trong thời gian tới vẫn còn khá lớn. Cái quan trọng nhất chính là chất lượng sử dụng của nguồn vốn trái phiếu do NHTM đầu tư sẽ như thế nào. “Đây là câu hỏi cần phải quan sát trong thời gian gần đây”, ông Quỳnh lưu ý.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC cũng cho rằng, lo ngại về việc các NHTM mua nhiều TPCP sẽ dẫn tới việc thiếu vốn đề đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không có cơ sở.  Bởi vì đầu tư vào TPCP chỉ là quản lý thứ cấp, về thanh khoản, NHTM luôn ưu tiên vốn cho doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp hấp thụ vốn ra sao?

Thời gian qua, tín dụng dành cho doanh nghiệp chỉ tăng khoảng 2%, phần tăng mạnh là tín dụng tiêu dùng, nhưng khoản này tỷ trọng không lớn, nên khả năng tín dụng của năm 2015 sẽ chưa thể “phá băng”. “Với bối cảnh kinh tế hiện tại, kỳ vọng tổng phát hành TPCP năm 2015 sẽ cao. Các NHTM vẫn phải đầu tư vào TPCP nếu muốn an toàn tài chính, và điều này hy vọng lãi suất trái phiếu vẫn giữ được như hiện nay”, ông Giang chia sẻ thêm.

Còn ông Ngô Thế Triệu (Quỹ Eastspring Investment) cho hay: Tăng trưởng tín dụng trong năm 2015, 2016 có thể sụt giảm. Vậy NHTM bỏ vốn vào đâu? Thời gian gần đây, các ngân hàng bỏ vốn vào TPCP rất nhiều, đặc biệt là họ dành sự quan tâm nhiều hơn cho trái phiếu dài hạn. Điều này cũng làm cho lãi suất dài hạn giảm xuống nhanh. Tuy vậy, các ngân hàng tham gia vào trái phiếu trong năm tới vẫn lớn. Rủi ro về vấn đề lãi suất không phải là lo ngại của các NHTM, mà rủi ro lớn nhất là thông tin vĩ mô, cũng như định hướng và cách phát triển của thị trường.