Ngân hàng đi gỡ khó và bài toán “khó phải tự gỡ”
Hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “giúp người là giúp mình”, nhưng chính các ngân hàng cũng đang cần được trợ giúp.
Lãi suất đã hạ và sẽ còn hạ tiếp
Thanh khoản hệ thống trong quý I/2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 (bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm) và tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm trở lại đây.
Diễn biến này chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động bơm tiền vào hệ thống thông qua việc mua ngoại tệ (ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương khoảng 84.000 tỷ đồng) trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán nhằm hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tuy vậy, với tính liên thông khá yếu, sự dồi dào thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng vẫn chưa thể giúp lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức kinh tế) giảm mạnh.
Trên thực tế, NHNN đã sử dụng biện pháp hành chính, bao gồm điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào giữa tháng 3.
Biện pháp này đã phần nào có tác dụng khi mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 6 tháng được điều chỉnh giảm 30-50 điểm phần trăm.
Lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm từ 0,5-2%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ 1/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Từ cuối tháng 2 đến nay, SHB đã miễn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ cho gần 1.200 khách hàng với tổng dư nợ gần 5.000 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là miễn lãi/giảm lãi)”.
Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thông tin: “Bên cạnh các biện pháp giảm lãi suất cho vay, vay mới với lãi suất ưu đãi..., ngay trong tháng 3/2020, TPBank thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng”.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới, khoảng 0,5 điểm phần trăm, bởi tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp giảm mạnh, trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào.
Bên cạnh đó là chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Chuẩn bị cho thời gian sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung khôi phục nền kinh tế, cơ quan quản lý cần có chính sách, bước đi mạnh mẽ hơn ngoài việc yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới. Cụ thể, NHNN nên có động thái giảm thêm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, mở rộng nghiệp vụ thị trường mở, giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng… để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường”.
Các chuyên gia phân tích chung nhận định, dự báo lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong quý II/2020 nên NHNN có thêm dư địa để đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ðối với mặt bằng lãi suất cho vay, xu hướng giảm khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới.
Ngân hàng cũng cần hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Lê cho biết, trong nỗ lực hạn chế tác động tiêu cực đến Ngân hàng và để tự cứu chính mình, HÐQT, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao SHB đã tự nguyện giảm 50% lương cho đến khi công bố hết dịch.
Ðối với các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10-30% tùy theo mức thu nhập.
Bên cạnh đó, quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.
Ðồng quan điểm này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhấn mạnh: “Các tổ chức tín dụng phải thực hiện chính sách tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng nhằm đảm bảo ‘sức khoẻ’ tài chính để khi dịch bệnh đi qua có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động. Trước khi giúp được người khác, mình cần phải khoẻ”.
TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, ngân hàng Việt Nam mất 10 năm mới phục hồi được các chỉ tiêu tài chính.
Tuy nhiên, sức chống chịu rủi ro của hệ thống cũng chưa phải là lớn, nền tảng tài chính tuy đã phục hồi nhưng chưa vững mạnh vì chưa đủ thời gian tích lũy tối thiểu 5 năm.
Trong tình trạng “sức khoẻ” tài chính như vậy, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi các kế hoạch không chỉ của các ngành, nghề trong nền kinh tế, mà còn cả hệ thống ngân hàng - xương sống của nền kinh tế.
“Hệ thống ngân hàng gặp đại dịch Covid-19 là đối diện với cú sốc lớn và sẽ gặp khó khăn liên quan đến suy giảm lợi nhuận do tín dụng giảm, nợ xấu sẽ tăng và đây là vấn đề lo ngại nhất”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 sẽ còn tác động gián tiếp đến hoạt động ngành ngân hàng trong thời gian còn lại của năm 2020.
Trong vòng 3 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng trải qua đợt điều chỉnh giá mạnh dưới tác động của dịch khi chứng kiến mức giá trung bình giảm 23,9%, đưa P/B trung bình ngành từ mức 1,52 lần vào cuối năm 2019 giảm về mức 1,15 lần như hiện tại.
“Sau giai đoạn tái cấu trúc, hầu hết ngân hàng đã giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến chất lượng tài sản. Tuy nhiên, tiềm ẩn nợ xấu có thể tăng nhẹ và gánh nặng đến từ chi phí trích lập dự phòng trong năm nay khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn mà Covid-19 mang lại”, báo cáo nhận định.
Ðánh giá về rủi ro của hệ thống, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế phân tích, trước tiên, để ngân hàng hoạt động được thì cần huy động tiền của người dân và doanh nghiệp, nếu người dân và doanh nghiệp không gửi tiền vào ngân hàng thì hệ thống sẽ mất thanh khoản.
Cùng với đó, với 8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn hệ thống, khách hàng không có khả năng trả nợ, gánh nặng này đè lên vai ngân hàng. Trong tình huống nợ xấu ngày càng tăng, ngân hàng cũng sẽ không chống đỡ nổi.
“Hệ thống ngân hàng cũng không thể miễn nhiễm trước đại dịch. Nếu nền kinh tế lao đao, các doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy này. Ðiều này có nghĩa, các ngân hàng đang cùng trong hoàn cảnh với mọi doanh nghiệp khác”, TS. Hiếu nói.
Ðược biết, NHNN đã tăng lãi suất đối với số tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên mức 1%/năm từ 17/3 nhằm hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng khi triển khai các gói tín dụng ưu đãi (trị giá 285.000 tỷ đồng) dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng, tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị tiền gửi tại NHNN của các ngân hàng vào khoảng 330.000 tỷ đồng.
Như vậy, mức hỗ trợ từ NHNN dành cho các ngân hàng là gần 660 tỷ đồng - một động thái được cho là cơ quan quản lý đang “lo trước cho các thành viên của mình”.